Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhà máy đầu tiên di dời từ phía Nam đến phía Bắc tỉnh Bình Dương

Lâm Thiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Từ năm 2024 đến 2030, tỉnh Bình Dương sẽ di dời khoảng 2.900 doanh nghiệp, nhà máy nằm rải rác trong khu dân cư tại các địa phương phía Nam đến các khu, cụm công nghiệp phía Bắc của tỉnh. Mới đây, tỉnh thống nhất sẽ thực hiện thí điểm 1 công ty có hơn 2.000 lao động.

Theo kế hoạch, từ năm 2024 đến 2030 Bình Dương sẽ di dời khoảng 2.900 doanh nghiệp, nhà máy từ phía Nam đến phía Bắc để tái thiết, chỉnh trang đô thị. Ảnh minh họa.
Theo kế hoạch, từ năm 2024 đến 2030 Bình Dương sẽ di dời khoảng 2.900 doanh nghiệp, nhà máy từ phía Nam đến phía Bắc để tái thiết, chỉnh trang đô thị. Ảnh minh họa.

Ngày 17/4, UBND tỉnh Bình Dương cho biết, để thực hiện di dời khoảng 2.900 doanh nghiệp, nhà máy nằm rải rác trong khu dân cư tại các địa phương phía Nam về các khu, cụm công nghiệp phía Bắc.

Tỉnh đã chọn ra khu công nghiệp Bình Đường (phường An Bình, thành phố Dĩ An) là khu thực hiện di dời thí điểm. Doanh nghiệp trong khu được chọn thí điểm di dời là Công ty TNHH Sung Hyun Vina (Hàn Quốc).

Khu công nghiệp Bình Đường có quy mô nhỏ, khoảng 16,5 ha, được thành lập từ năm 1993, do Tổng công ty Thương mại Xuất nhập khẩu Thanh Lễ làm chủ đầu tư. Hiện toàn khu có 17 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có Công ty TNHH Sung Hyun Vina với 3 nhà máy chuyên sản xuất hàng may mặc với hơn 2.000 lao động.

Đại diện Công ty TNHH Sung Hyun Vina đồng thuận với kế hoạch di dời nhà máy lên phía Bắc của tỉnh Bình Dương. Doanh nghiệp cũng mong muốn địa phương có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp di dời, đảm bảo ổn định cuộc sống cho người lao động bị ảnh hưởng.

Ông Nguyễn Văn Lợi - Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương làm việc với Công ty TNHH Sung Hyun Vina, đơn vị đầu tiên sẽ thực hiện di dời. Ảnh: BTC.
Ông Nguyễn Văn Lợi - Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương làm việc với Công ty TNHH Sung Hyun Vina, đơn vị đầu tiên sẽ thực hiện di dời. Ảnh: BTC.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi cho rằng, chủ trương di dời các khu, cụm công nghiệp và doanh nghiệp ngoài khu, cụm công nghiệp từ phía Nam đến phía Bắc của tỉnh là một chủ trương lớn, góp phần chỉnh trang đô thị, đẩy mạnh phát triển dịch vụ, thương mại, nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế ở các địa phương phía Nam. 

Tuy nhiên, việc thực hiện di dời phải thực hiện thận trọng và khoa học, đảm bảo lợi ích chung của người lao động, doanh nghiệp và của tỉnh. Vì vậy thống nhất chọn Khu công nghiệp Bình Đường, Công ty TNHH Sung Hyun Vina để làm thí điểm chuyển đổi công năng và di dời nhà máy, sau đó rút kinh nghiệm triển khai rộng ra toàn tỉnh.

Bí thư Tỉnh ủy cũng yêu cầu các ngành liên quan điều tra đánh giá tác động của việc di dời đối với người lao động, thực hiện các chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp đồng thuận di dời và xây dựng các hạ tầng đáp ứng đời sống, sinh hoạt của người lao động sau quá trình di dời, góp phần ổn định sản xuất của doanh nghiệp sau khi di dời.

Hiện Bình Dương đang xây dựng các nhóm chính sách hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp di dời. Trong đó, đối với người lao động sẽ được hỗ trợ trong thời gian nhà máy tạm ngừng sản xuất; chỉ trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động phải nghỉ việc do di dời; hỗ trợ đào tạo nghề đối với công nhân tại địa điểm mới; chính sách về bảo hiểm xã hội đảm bảo quyền lợi người lao động; chính sách đặc thù hỗ trợ về nhà ở xã hội đối với người lao động bị ảnh hưởng.

Còn đối với chính sách hỗ trợ doanh nghiệp gồm: hỗ trợ về khuyến công; hỗ trợ về xúc tiến thương mại; chính sách ưu đãi đầu tư đối với dự án đầu tư sản xuất kinh doanh trong khu công nghiệp; hỗ trợ vay vốn; hỗ trợ tiền thuê đất, nhà xưởng tại địa điểm mới…