Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhà máy hơn 300 triệu USD sẽ lỗ tiếp 600 tỷ đồng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trả lời trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ công thương Vũ Huy Hoàng cho biết, nếu đúng theo kế hoạch, nhà máy xơ sợi Polyester Đình Vũ sẽ giảm lỗ năm 2015 xuống còn 600 tỷ đồng.

Mở đầu phần trả lời chất vấn chiều nay (17/11), Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã nhận được câu hỏi của đại biểu về nhà máy xơ sợi Polyester Đình Vũ được đầu tư 325 triệu USD (hơn 7.000 tỷ đồng) nhưng có nguy cơ biến thành đống sắt gỉ vì vừa phải tạm dừng hoạt động hồi tháng 10 vừa qua.

Được biết, nhà máy xơ sợi Polyester Đình Vũ chính thức đi vào vận hành thương mại từ năm 2014, với kỳ vọng tốt đẹp là tự chủ một phần nguyên phụ liệu cho ngành dệt may Việt Nam. Nhà máy này do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nắm giữ trên 75% vốn cổ phần, dự định dùng nguyên liệu từ Nhà máy lọc dầu Dung Quất để chế biến thành xơ sợi.
Bộ trưởng Bộ công thương Vũ Huy Hoàng
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng.
Tuy nhiên chỉ sau hơn 1 năm, nhà máy này đã liên tục phải đối mặt với việc không tiêu thụ được sản phẩm cũng như nhiều lần phải tạm dừng hoạt động. Hiện tại nhà máy vẫn đang tạm dừng hoạt động và con số thua lỗ ước tính đang là 1.700 tỷ đồng. Nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này do sản phẩm làm ra không thể cạnh tranh được trên thị trường.

Nói về trường hợp của nhà máy Polyester Đình Vũ, Bộ trưởng Hoàng cho biết, tính tới hết 2014, nhà máy chỉ hoạt động được 48% công suất, lỗ 1.000 tỷ đồng. Điều này xảy ra bởi chi phí vận hành nhà máy tăng cao so với nghiên cứu khả thi, hơn nữa đây là dự án có công nghệ hiện đại, lần đầu tiên được triển khai tại Việt Nam nên năng lực vận hành chưa đáp ứng được. Cùng với đó, giá sợi nhân tạo trên thế giới có chiều hướng giảm mạnh, sản phẩm của nhà máy làm ra giá cao hơn nên không thể cạnh tranh được.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Hoàng vẫn "tin tưởng" trong năm 2015, nhà máy Polyester Đình Vũ sẽ giảm lỗ xuống chỉ còn hơn... 600 tỷ đồng và tiến tới 2016 sẽ cân bằng thu chi.

Để thực hiện kế hoạch trên, Bộ Công Thương đã phối hợp cùng các cơ quan liên quan rà soát lại máy móc thiết bị, có chương trình nâng cao tay nghề của cán bộ công nhân viên vận hành. Bộ cũng yêu cầu Tập đoàn Dệt may Việt Nam tiêu thụ một số mặt hàng của nhà máy mà lâu nay Tập đoàn vẫn phải nhập khẩu những mặt hàng này. Tiến tới, Tập đoàn dệt may sẽ tiêu thụ khoảng 50% sản phẩm của nhà máy Polyester Đình Vũ.

Cũng chính từ tình trạng trên, đại biểu Quốc hội tỏ ra băn khoăn về số phận của ngành dệt may Việt Nam trước thêm Hiệp định thương mại TPP. Được biết, nguyên tắc xuất xứ đang là "điểm" sống còn với ngành này để có thể tận dụng được lợi thế từ TPP.

Trong quá trình đàm phán TPP, Việt Nam luôn yêu cầu các quốc gia đối tác mở cửa thị trường cho những mặt hàng cốt lõi, trong đó có dệt may. Về cơ bản, chúng ta đã đạt được yêu cầu này, Bộ trưởng Hoàng khẳng định.

"Chúng ta đã đạt được thỏa thuận với quốc gia quan trọng nhất là Mỹ về vấn đề xuất xứ hàng hóa trong dệt may. Việt Nam được chấp nhận với công thức, một số sản phẩm sẽ phải tuân thủ đúng nguyên tắc xuất xứ khi Hiệp định có hiệu lực nhưng cũng có một số sản phẩm vẫn duy trì như hiện nay, có nghĩa phải nhập khẩu nguyên liệu nhưng vẫn được hưởng ưu đãi", Bộ trưởng Hoàng chia sẻ.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng các chủng loại hàng dệt may không áp dụng nguyên tắc xuất xứ chỉ chiếm 15% kim ngạch xuất khẩu năm 2014. Hiện tại tỷ lệ nội địa hóa trong dệt may của Việt Nam đang là 85% với vải dệt kim, vải dệt thoi đáp ứng được 30% nhu cầu với 1,4 tỷ tấn/năm, sợi đủ nhu cầu với giá trị xuất khẩu 2 tỷ USD trong năm 2014. Trong 10 năm trở lại đây, tỷ lệ nội địa hóa bình quân tăng từ 20% lên 50%. Dự kiến, vào năm 2018, thời điểm TPP sẽ có hiệu lực, tỷ trọng hàng dệt may có xuất xứ từ Việt Nam sẽ chiếm 60%.

Cũng theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, TPP vừa là cơ hội, vừa là thách thức với ngành dệt may, nếu không nâng cao tỷ lệ sản xuất trong nước, Việt Nam sẽ mãi là quốc gia gia công sản phẩm. Chính vì vậy, bên cạnh thu hút đầu tư từ DN trong nước, nguồn vốn đầu tư nước ngoài cũng rất quan trọng, chỉ trong giai đoạn 2013 - 2014 đã có được 3 tỷ USD được đầu tư từ các nguồn này.