Sai phạm trong quá trình xây dựng
Theo văn bản báo cáo của UBND huyện Đông Anh gửi UBND TP Hà Nội, tại thời điểm cuối tháng 9/2020, Nhà máy xử lý rác nhiệt phân plasma Đông Anh đã được chủ đầu tư (Công ty CP Đầu tư Thành Quang) hoàn thành xây dựng một số hạng mục theo quy hoạch tổng thể như hệ thống sơ tuyển rác; hệ thống ủ rác, sấy rác; lò đốt plasma; hệ thống xử lý khói thải; hệ thống xử lý nước thải; hệ thống thu gom và xử lý mùi; hệ thống điều khiển…
Các hạng mục chưa thi gồm: Nhà sản xuất gạch block; nhà điều hàng sản xuất; san bãi tập kết xỉ than; nhà trưng bày và bán sản phẩm; nhà làm việc trụ sở công ty…
Nhà máy xử lý rác nhiệt phân plasma Đông Anh dù đã cơ bản hoàn thành nhưng chưa thể đưa vào hoạt động. Ảnh: Song Hùng. |
Trong quá trình thực hiện dự án, chủ đầu tư đã để xảy ra một số vi phạm về trật tự xây dựng. Những vi phạm này đã được UBND huyện Đông Anh và đoàn thanh tra liên ngành gồm các sở: KH&ĐT, Xây dựng, TN&MT, KH&CN, Tài Chính chỉ ra.
Cụ thể, tại Văn bản 3488/KH&ĐT-NNS ngày 8/7/2020 của Sở KH&ĐT có ý kiến về hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư tại dự án Khu xử lý rác thải huyện Đông Anh, trong đó yêu cầu Công ty CP Đầu tư Thành Quang bổ sung báo cáo về việc xử lý vi phạm về trật tự xây dựng tại dự án, kèm theo tài liệu về việc xem xét, xử lý vi phạm về trật tự xây dựng tuân thủ các chỉ đạo của UBND TP Hà Nội tại các văn bản số 4710/UBND-ĐT ngày 23/10/2019; số 5657/UBND-ĐT ngày 20/12/2019. Tuy nhiên, đến nay nhà đầu tư vẫn chưa thực hiện các nội dung yêu cầu.
Câu chuyện thừa và thiếu
Theo công bố của chủ đầu tư tại lễ khởi công dự án (ngày 15/12/2011), Nhà máy rác nhiệt phân plasma Đông Anh có công suất 300 tấn rác/ngày đêm; loại rác thải xử lý là rác thải sinh hoạt, rác thải y tế, rác thải công nghiệp và các loại rác thải đặc thù khác.
Tại thời điểm triển khai cũng như hiện tại, việc dự án sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng được kỳ vọng sẽ góp phần giảm tải áp lực về xử lý rác thải sinh hoạt tại Thủ đô. Song, chính việc nhà máy sẽ xử lý loại rác nào lại là điều khiến dự án đến nay vẫn chưa thể đưa vào hoạt động.
Chủ đầu tư muốn lấy rác thải y tế, công nghiệp làm hoạt động chính, bởi nếu chỉ xử lý rác thải sinh hoạt, nhà máy sẽ lỗ. Và hiện tại, Bộ Xây dựng đang xem xét kiến nghị của chủ đầu tư. Trong khi đó, huyện Đông Anh và những người dân trong khu vực lại không muốn nhà đầu tư bổ sung thêm chức năng xử lý chất thải y tế nguy hại và chất thải công nghiệp.
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị về vấn đề này, một số chuyên gia trong lĩnh vực môi trường cho rằng, hiện nay, vấn đề lớn nhất Hà Nội là xử lý rác thải sinh hoạt không phải là rác thải y tế, công nghiệp.
Theo lý giải của các chuyên gia, hiện nay, trên địa bàn TP đã có gần chục đơn vị được cấp phép chuyên xử lý rác thải y tế, công nghiệp. Mặc dù chưa hoạt động hết công suất nhưng những đơn vị này đã đáp ứng được nhu cầu ở Hà Nội. Do đó, việc bổ sung thêm đơn vị xử lý rác thải y tế, công nghiệp tại thời điểm này là chưa cần thiết.
Dự án xử lý nhà máy rác nhiệt phân plasma Đông Anh do Công ty CP Đầu tư Thành Quang làm chủ đầu tư. Dự án có tổng diện tích 88.514m2 thuộc địa bàn xã Việt Hùng, huyện Đông Anh. Trong đó, khu A có diện tích 87.453m2 để thực hiện dự án đầu tư Khu xử lý rác thải; Khu B có diện tích 1.061m2 nằm trong chỉ giới mở đường theo quy hoạch, không xây dựng công trình, khi Nhà nước thu hồi phải bàn giao lại theo quy định. |