Nhà nông trăn trở: Làm thế nào để sản xuất an toàn?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bối cảnh thị trường vật tư đầu vào như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), thức ăn chăn nuôi đang tồn tại nhiều bất cập như hiện nay, làm thế nào để sản xuất đảm bảo ATTP?

Băn khoăn của rất nhiều nông dân đã được Sở NN&PTNT Hà Nội giải đáp tại hội thảo “Nhịp cầu nhà nông” được tổ chức ngày 9/6 tại huyện Đan Phượng.

Cái khó của người nông dân

Thời gian qua, chuỗi hội thảo “Nhịp cầu nhà nông” do Trung tâm Khuyến nông Hà Nội tổ chức tại nhiều huyện, thị xã đã thực sự trở thành cầu nối mang nhiều kiến thức,  kỹ thuật mới đến với bà con nông dân. Không dừng lại ở những kỹ thuật đơn thuần, bà con đến với chương trình còn để chia sẻ nhiều tâm tư, nguyện vọng và những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Tại “Nhịp cầu nhà nông” tổ chức ở Đan Phượng lần này, một nét mới được ghi nhận là rất nhiều nông dân quan tâm tới vấn đề sản xuất đảm bảo ATTP, nhất là thời điểm Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực đã cận kề (1/7).
Quang cảnh buổi hội thảo. ảnh: Thiên Tú
Quang cảnh buổi hội thảo. ảnh: Thiên Tú
Là một hộ chăn nuôi có nhiều kinh nghiệm với trang trại nuôi 1.000 con lợn, song anh Trần Văn Phong, xã Trung Châu, huyện Đan Phượng vẫn tỏ ra khá bối rối khi tiếp cận thông tin về quy định của Nhà nước. Anh Phong cho biết, hiện nay, các hộ chăn nuôi đã có ý thức trong việc đảm bảo VSMT và ứng dụng chế phẩm sinh học để cho ra sản phẩm an toàn. Tuy nhiên, tới đây, khi Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực, trong đó có quy định phạt nặng về hành vi sử dụng chất cấm khiến cho anh Phong và nhiều hộ chăn nuôi lo ngại. “Nhà nước ban hành danh mục các chất cấm sử dụng trong chăn nuôi nhưng nông dân hầu như không biết đó là những chất gì vì rất ít được thông tin, tuyên truyền” – anh chia sẻ.

Một thực tế là hiện nay đa phần nông dân, nhất là các hộ sản xuất quy mô vừa và nhỏ lẻ khi mua và sử dụng vật tư nông nghiệp (VTNN) đều do chủ cửa hàng kinh doanh mặt hàng này hướng dẫn, giới thiệu. Do đó, nếu không quản lý tốt các cơ sở này, khả năng người nông dân vô tình sử dụng chất cấm hoặc bị đánh lừa dẫn tới bị phạt là hoàn toàn có thể xảy ra. Bà Nguyễn Thị Đào, xã Phương Đình, huyện Đan Phượng cũng cho biết, bà đã được tập huấn về kỹ thuật sản xuất rau an toàn một vài lần. Tuy nhiên, kiến thức về nhận biết các loại thuốc BVTV còn hạn chế và hầu như tin tưởng hoàn toàn vào sự giới thiệu, tư vấn của các chủ cửa hàng kinh doanh.

Tích cực tháo gỡ

Những băn khoăn, trăn trở của nhiều nông dân tại diễn đàn “Nhịp cầu nhà nông” cho thấy, người dân đã bước đầu ý thức được trách nhiệm về sản xuất đảm bảo ATTP, nhất là khi vấn đề này đang trở nên nhức nhối. Tuy nhiên, cũng từ những băn khoăn ấy đã phản ánh phần nào “lỗ hổng” trong cơ chế quản lý, giám sát VTNN và thông tin tới người dân trên địa bàn TP. Lắng nghe những ý kiến trên, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Ngô Đại Ngọc cũng tán thành, đây là những trăn trở rất “thời sự” bởi vấn đề ATTP đang được cả xã hội quan tâm. Theo ông Ngọc, quản lý VTNN thực tế đang tồn tại những bất cập, hạn chế nhất định. Trên địa bàn TP có hơn 1.900 cơ sở kinh doanh VTNN, trong đó riêng thuốc BVTV có tới 1.300 cơ sở. “Để người dân nhận biết đâu là thuốc trong danh mục, đâu là thuốc ngoài danh mục thực sự rất khó khăn” – ông Ngọc cho hay.

Trước thực trạng này, lãnh đạo Sở NN&PTNT cho biết, hiện nay, Sở đang xây dựng và sắp tới trình TP ban hành văn bản để siết chặt quản lý sản xuất, kinh doanh và sử dụng VTNN. Đồng thời thực hiện thanh, kiểm tra để loại bỏ các cơ sở, cửa hàng kinh doanh không đủ điều kiện theo quy định. Song song với đó, tại mỗi xã, thị trấn cần xây dựng một vài cửa hàng kinh doanh VTNN quy mô lớn, có kiểm soát để phục vụ nhu cầu của người dân. Lãnh đạo Sở NN&PTNT cũng khuyến cáo bà con nông dân khi mua VTNN nên tìm đến các cơ sở uy tín trên địa bàn để tránh mua phải hàng giả, hàng nhái hay chất cấm mà không biết.