Nhà ở thương mại giá thấp: Khó có cơ chế ưu tiên về thuế

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ Xây dựng đang dự thảo về cơ chế khuyến khích nhà ở thương mại giá thấp, dự kiến trình Chính phủ trong quý III/2020. Nhưng những cơ chế ưu tiên về thuế cho các DN làm dự án nhà ở thương mại giá thấp vẫn đang gặp vướng mắc theo quy định của luật.

 Chưa có chính sách cụ thể ưu đãi cho nhà ở thương mại giá thấp. Ảnh: Doãn Thành

Vướng về luật
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, Bộ đang dự thảo nghị quyết khuyến khích phát triển nhà ở thương mại giá thấp để trình Chính phủ ban hành trong quý 3 năm nay. Dự thảo nghị quyết được nghiên cứu, xây dựng với nhiều cơ chế ưu đãi cho phát triển nhà ở thương mại giá thấp, được thiết kế theo tiêu chuẩn căn hộ khép kín, có diện tích sử dụng dưới 70m2 sàn. Đáng chú ý, các dự án phát triển nhà ở thương mại giá thấp có giá bán không quá 20 triệu đồng/m2. “Như vậy giá một căn hộ tối đa không vượt quá 1,5 tỉ đồng/căn, đã bao gồm cả thuế VAT" - ông Sinh nhấn mạnh.

Luật Đầu tư, Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế thu nhập DN, chưa có chính sách miễn thuế đối với dự án nhà ở thương mại giá thấp (kể cả chưa có ưu đãi thuế nhiều hơn đối với dự án nhà ở xã hội chỉ để cho thuê). Trong các chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, bao gồm chương trình cho vay 5 nhóm, lĩnh vực ưu tiên, chưa có chương trình tín dụng cho nhà ở thương mại giá thấp.

Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu

Luật sư Hoàng Văn Đạo – Hội Luật gia Việt Nam cho biết, trong giai đoạn 2014 – 2016, Nhà nước đã thực hiện chính sách cho vay ưu đãi đối với các dự án xây dựng nhà ở thương mại giá thấp, nhưng sau đó, việc này đã bị “lãng quên” trong một khoảng thời gian.
Gần đây khi chương trình mục tiêu quốc gia về nhà ở không đạt đúng theo tiến độ đề ra, thì vấn đề và nhà ở thương mại giá thấp lại được quan tâm trở lại, nhưng rào cản lúc này đó là vấn đề về cơ chế ưu đãi. “Trong Luật Đất đai hiện nay đang ghép tất cả các sản phẩm nhà ở thương mại vào một nhóm, nên quy định về cơ chế ưu đãi đặc biệt về tiền thuế và tiền sử dụng đất chưa có. Cụ thể, Điều 110 Luật Đất đai quy định miễn, giảm tiền sử dụng đất trong một số trường hợp đầu tư, trừ dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại” – ông Đạo viện dẫn.
Không dễ thay đổi
Dự thảo quy định về nhà ở thương mại giá thấp được Bộ Xây dựng tập trung vào cơ chế chính sách ưu đãi, giúp hạ giá thành dự án bằng nhiều giải pháp, như giảm 50% tiền sử dụng đất phải nộp, bố trí 500 tỉ đồng trong tổng nguồn vốn 2.000 tỉ đồng cấp cho 4 ngân hàng thương mại để cấp bù lãi suất cho vay.
Các dự án nhà ở thương mại giá bán dưới 20 triệu đồng/m2 cũng được cung cấp miễn phí thiết kế mẫu, thiết kế điển hình nhà ở thương mại giá rẻ do cơ quan có thẩm quyền ban hành. Ngoài ra, còn được miễn thực hiện thủ tục thẩm định thiết kế cơ sở đối với trường hợp áp dụng thiết kế mẫu, thiết kế điển hình, được áp dụng hình thức tự thực hiện đối với các công ty tư vấn, thi công xây lắp nếu có đủ năng lực theo quy định của pháp luật về xây dựng.
Nhưng theo Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) Nguyễn Trọng Ninh, để phát triển được nhà ở giá thấp cần được sự tham gia của cả Nhà nước, DN và người dân. Mặc dù nhà ở giá thấp không có cơ chế ưu đãi như nhà ở xã hội, nhưng Bộ cũng đang xây dựng cơ chế ưu đãi mạnh hơn so với nhà ở thương mại theo cơ chế thị trường. Tuy nhiên, những chính sách ưu đãi liên quan đến miễn, giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN đối với dự án nhà ở thương mại hiện nay vẫn là vấn đề phức tạp, không thể thay đổi một cách dễ dàng.
“Xây dựng, phát triển nhà ở thương mại phải đúng thẩm quyền theo Nghị quyết của Chính phủ và không trái pháp luật. Đây mới chỉ là đề cương nghị quyết thôi, chưa có quyết định chính thức về những gì được ưu đãi, những gì được miễn giảm, trong đó có vấn đề về thuế. Trước khi ban hành chúng tôi sẽ lấy ý kiến của các địa phương để hoàn thiện. Còn một số ý kiến đề xuất về thuế thì muốn thực hiện phải báo cáo và được sự đồng ý của Quốc hội” – ông Ninh cho hay.