Nhà phố chào bán hàng loạt tại TP Hồ Chí Minh: Khó khăn còn ở phía trước

Ngọc Huân (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kinh tế & Đô thị có một cuộc trao đổi với chuyên gia Phan Công Chánh xung quanh hiện tượng nhà phố được rao bán ồ ạt tại TP Hồ Chí Minh.

 Chuyên gia Phan Công Chánh
Thưa ông, hiện tượng hàng trăm khách sạn, hàng nghìn nhà phố giá trị cao được rao bán rầm rộ trên các mạng xã hội, trang mua bán có gì bất thường không?
- Tôi không nghĩ đó là hiện tượng bất thường. Tôi nghĩ đó là hệ quả của dịch Covid-19. Gần 70% vốn đổ vào thị trường BĐS nói chung và phân khúc nhà phố khu trung tâm nói riêng là vốn vay ngân hàng. Giới chuyên môn vẫn gọi đó là sử dụng đòn bẩy tài chính. Trong điều kiện thuận lợi, thị trường hoạt động tốt, đòn bẩy tài chính sẽ khuếch đại lợi nhuận của nhà đầu tư. Trong điều kiện bất lợi như hiện nay, đòn bẩy tài chính cũng sẽ làm nghiêm trọng hóa vấn đề tài chính của nhà đầu tư.

Dịch bệnh Covid-19 bùng phát và kéo dài gần tròn 2 năm nay, nếu quan sát khu trung tâm TP có thể nhận ra tình trạng mặt bằng cho thuê bỏ trống chiếm hơn 70%, số còn lại chủ nhà phải giảm giá cho thuê rất sâu...
Điều này đồng nghĩa với việc, các nhà đầu tư đã không có nguồn thu từ 2 năm nay. Khi không có nguồn thu thì họ không thể gồng gánh các khoản lãi vay và vốn đến hạn phải trả, buộc phải bán để giải quyết bài toán tài chính. Khi hàng trăm, hàng nghìn nhà đầu tư cùng có một điều kiện, tình trạng buộc phải bán BĐS để trả nợ thì tất yếu thị trường sẽ tràn ngập người cần bán.
Trong khi đó, người có nhu cầu mua tại thời điểm này có nhiều lựa chọn và nằm kèo trên. Người bán muốn bán được BĐS trong thời điểm hiện nay phải dũng cảm chấp nhận thực tế thì mới có thể bán được hàng.

Tình trạng này mới chỉ bắt đầu trong thời gian gần đây, có nghĩa là làn sóng bán BĐS chưa lên đỉnh. Theo ông, đâu mới là đỉnh điểm của khó khăn?

- Như đã đề cập ở trên, khó khăn của phân khúc thị trường BĐS khu trung tâm là hệ quả của đại dịch Covid-19, chỉ khi nào khống chế được đại dịch, lúc đó mới là điểm kết thúc của việc đi xuống. Việc khống chế đại dịch Covid-19 phụ thuộc vào vacccine. Khó khăn đang ở phía trước, thời điểm hiện tại chưa phải là đỉnh điểm của khó khăn.
Riêng đối với BĐS du lịch, tôi nghĩ khó khăn sẽ còn kéo dài cho đến khi ngành du lịch hồi phục trở lại. Trong thời gian tới, số lượng BĐS giá trị cao cần bán có thể tiếp tục gia tăng. Nếu việc tiêm phòng vaccine theo đúng kế hoạch, tôi nghĩ khó khăn của thị trường BĐS sẽ lên đến đỉnh vào quý I hoặc quý II/2022.

Xin cảm ơn ông!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần