Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhà sáng chế nặng lòng với ngư dân

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều người dân Thủ đô đã không tin vào mắt mình khi chứng kiến một chiếc thuyền thủng đáy chở 2 thanh niên lực lưỡng vẫn nổi lềnh bềnh lướt trên mặt Hồ Cần, quận Hoàng Mai, Hà Nội.

Lần tìm thông tin về nhà sáng chế chiếc thuyền "độc nhất vô nhị" rất lâu, tôi mới tìm ra địa chỉ nhà riêng của ông Nguyễn Xuân An nằm trong ngõ Quỳnh, phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội).

Từ tình yêu...

Thật khó có thể hình dung rằng, những ý tưởng sáng tạo mới mẻ, táo bạo tràn đầy nhiệt huyết lại ẩn chứa trong thân hình một cụ ông 80 tuổi, tóc bạc trắng mái đầu. Nghe giọng nói phát âm hơi lệch của ông An, có những từ tôi phải hỏi lại mới luận được. Ông không bực bội mà có vẻ càng vui hơn. "Nếu thôn Vĩnh Thành, xã Cát Tài, huyện Phù Cát (Bình Định) là nơi tuổi thơ tôi được vun đắp bằng những chiếc thuyền đầy cá cập cửa biển Đề Gi, thì Hà Nội là nơi tôi sống và làm việc trong suốt 60 năm qua" - ông An kể.
Ông An giới thiệu công năng sử dụng của thuyền phao AN-03 trong đánh bắt bằng lưới cản.
Ông An giới thiệu công năng sử dụng của thuyền phao AN-03 trong đánh bắt bằng lưới cản.
Nguyên là Vụ trưởng Vụ Khoa học (Tổng cục Địa chất), cái nghề của ông An gắn với đất chứ chẳng liên quan đến nước. Thế mà khi nghỉ hưu, nhà địa chất học lại thích khăn gói lang thang khắp miền biển Thanh Hóa, Đà Nẵng, Bình Định, Quảng Ngãi… để xin chủ tàu cho ra biển xem ngư dân đánh bắt cá đại dương.
"Những đứa con tinh thần" của nhà sáng chế Nguyễn Xuân An đã gặt hái được nhiều giải thưởng cao quý như: Cúp vàng Techmart Việt Nam 2007; giải Nhất Giải thưởng Sáng tạo kỹ thuật ngành thủy sản Bộ NN&PTNT năm 2007; giải Khuyến khích, giải thưởng Sáng tạo Khoa học công nghệ Việt Nam Vifotec năm 2007; Bằng lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam năm 2008 và nhiều bằng khen của Bộ KH&CN; Bộ NN&PTNT, Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam...
"Thoạt đầu, nhiều chủ tàu nghĩ đầu óc ông già này có vấn đề nên lắc đầu ngoay ngoảy chối từ. Về sau, khi biết tôi ra biển là để nghiên cứu thực địa và sáng chế chiếc thuyền phao không bao giờ chìm, thay thế cho thuyền thúng đan bằng nan tre dễ hỏng, dễ đắm mà ngư dân dùng phổ biến thì họ mới gật đầu" - ông An nhớ lại.

Ý tưởng tạo ra chiếc thuyền phao không chìm của nhà địa chất học lóe lên khi ông đọc được những số liệu thống kê thiệt hại về người do cơn bão Chan Chu càn quét vào cuối tháng 5/2006 cướp đi sinh mạng của 246 ngư dân đang làm nghề trên biển. Đau lòng nhất là chỉ vớt được xác 20 người, còn lại 226 người mất tích. Kèm theo bài viết là bức ảnh một ngư dân đứng trên thuyền thúng khua mái chèo giữa sóng nước trùng khơi. Sau khi thuật lại bài báo cho vợ nghe, ông An bảo: Đấy là những cái chết vô duyên nhất, thảm thương nhất. Người ta có thể đổ lỗi cho mưa trời, bão biển. Nhưng, đó chỉ là nguyên nhân khách quan. Cái khiến mạng sống của dân chài "treo trên mũi sóng" chính là chiếc thuyền thúng tre ọp ẹp, dễ lật, chóng chìm. Bây giờ có nhiều vật liệu rất bền, nhẹ và không thấm nước là có thể tạo ra những chiếc thuyền không bao giờ chìm.

... đến những thành công

Được vợ ủng hộ, tối hôm đó, ông An thức thâu đêm vẽ bản thiết kế chiếc thuyền gắn phao hạt xốp để nó luôn nổi trên mặt nước. Sáng hôm sau, nhà địa chất học ra khu chợ gần nhà sắm một cái thúng đựng thóc, một bao bọt xốp và nhựa đường. Để thúng không bị ngấm nước, ông quết nhựa đường vào các khe hở của nan tre. Lòng thúng được gắn một lớp xốp dày khoảng 5cm. Xong xuôi, ông chở thúng ra một cái ao dưới chân cầu Vĩnh Tuy thả xuống nước. Chiếc thúng có độ nổi lớn, thả viên đá hộc nặng 7kg vẫn không chìm. Tuy nhiên, khi đổ đầy nước vào lòng thúng, chiếc thuyền phao mi ni bỗng nghiêng ngả, chao đảo. Nếu tạo sóng lớn, thuyền sẽ bị lật. Muốn thuyền đứng cân đối thì phải tìm cách tháo nước trong lòng thuyền ra ngoài một cách nhanh nhất. Giả định với chiếc thuyền thúng to có đường kính 1,8 - 2,2m, nếu dùng gầu nhỏ để tát nước ra ngoài phải mất hàng chục phút, không khả thi.

Trong lúc nghiên cứu, ông An dùng con dao nhọn đâm thủng một lỗ ở dưới đáy thúng. Một xoáy nước bất ngờ xuất hiện, dưới áp lực chênh lệch độ cao (thuyền nổi trên mặt nước), nước trong thuyền trôi tuồn tuột qua lỗ hổng dưới đáy. Sau khi nước rút hết, chỉ cần lắp một cái van bịt kín miệng lỗ là thuyền có thể hoạt động bình thường. Mô hình thực nghiệm làm thành công ngoài mong đợi, ông An tức tốc mua vé ô tô vào Đà Nẵng mua một chiếc thuyền thúng kích thước thực mà ngư dân thường ngồi câu mực, câu cá ngừ đại dương để nghiên cứu làm thuyền phao không chìm.

Để thuyền không lọt nước và không móp méo khi va đập, "nhà sáng chế đầu bạc" thay thế vật liệu làm thuyền từ tre sang composite. Mặc dù được coi là "vật liệu mới", nhưng composite hoàn toàn có thể làm bằng tay. Ông mua những tấm nhựa polyester cốt sợi thủy tinh (bán phổ biến trên thị trường) rồi gắn chúng lại với nhau nhiều lớp bằng chất nhựa đặc chủng để tạo thành hình quả cầu chia đôi thủng lỗ dưới đáy có đường kính khoảng 20cm. Tiếp đến, ông An gắn các tấm bọt xốp (SF) quanh sườn lòng thúng với độ dày khoảng 15cm, đủ làm cho thuyền khi có 3 - 4 người ngồi, dù có lật úp, lật ngửa cũng không thể chìm. Cùng với đó, vành thúng được làm bằng chất liệu cao su có khả năng chống va đập tốt. Tại lỗ thủng đáy thúng được lắp một cái van phao có thể đóng, mở dễ dàng như vung nồi áp suất. Bộ phận này thực hiện chức năng đóng, mở để lưu thông nước từ bên trong lòng thuyền ra bên ngoài, làm cho thuyền phao nổi cân đối.
Bí quyết sáng chế thuyền phao không chìm nằm ở chiếc van phao tháo, lắp lỗ thủng để đưa nước từ trong lòng thuyền ra phía ngoài, đảm bảo thuyền hoạt động cân đối ở chế độ phao.
Bí quyết sáng chế thuyền phao không chìm nằm ở chiếc van phao tháo, lắp lỗ thủng để đưa nước từ trong lòng thuyền ra phía ngoài, đảm bảo thuyền hoạt động cân đối ở chế độ phao.
Suốt 8 năm qua, nhà sáng chế không ngừng cải biến chiếc thuyền của mình với những hình dáng khác nhau để phù hợp với từng mục đích sử dụng của người dân như: AN-01-TP; AN-03 (dùng cho việc đánh lưới cản); AN-05 (dùng cho câu mực đại dương)… những thế hệ thuyền phao này được "thử lửa" về tính hữu dụng thông qua nhiều cuộc trình diễn thực địa tại Đà Nẵng, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Bình, Thanh Hóa, Hà Nội…
Phao cứu sinh cho ngư dân

Ngay từ năm 2007, màn trình diễn ngoạn mục của chiếc thuyền phao không chìm trên sông Đáy (tỉnh Hà Nam) đã lọt vào "mắt xanh" của Hội đồng Khoa học công nghệ (Bộ Thủy sản) và được công nhận kết quả nghiên cứu. Những chiếc thuyền phao mang tên AN-03, AN-05 đều được đóng dấu đăng kiểm chứng nhận phương tiện đủ điều kiện để hoạt động nghề cá. Từ nguyên lý hoạt động đơn giản nhưng hiệu quả của những chiếc thuyền thúng phao, "nhà sáng chế tóc bạc" có thể cải biến thành bất cứ phương tiện chuyên chở nào trên sông nước như xuồng ba lá, ghe, thuyền hai mũi… để người dân hành nghề trên các miền sông nước, ao hồ, kênh rạch có thể lưu thông đường thủy dễ dàng.

"Năm 2009, tôi đọc báo thấy hàng trăm học sinh trường Tiểu học Hải Sơn (huyện Lục Ngạn, Bắc Giang) ngày ngày vẫn phải ngồi trên những chiếc thuyền hai mũi ọp ẹp vượt hồ Cấm Sơn đến lớp. Đã có những vụ lật đò gây ra những cái chết thương tâm. Tôi tức tốc lên Bắc Giang thuê thợ xẻ gỗ làm thuyền. Tuy nhiên dưới đáy có đục thủng lỗ và gài van phao bằng composite. Thân thuyền được đóng 5 cái ghế ngồi. Phao bằng bọt xốp (SF) tỷ trọng 0,005 - 0,010 được lấp đầy ở khoang mũi, đuôi thuyền và các ghế ngồi. Với thiết kế này, dù chiếc thuyền có bị sóng to, gió lớn đánh lật thì cũng không thể chìm nổi. Chiếc thuyền đó ông dành tặng cho trường Tiểu học Hải Sơn. Các em học sinh chỉ cần đấu nối một đầu dây vào ghế ngồi, một sợi dây thắt vào đai lưng là không bao giờ sợ chết đuối dù bị văng ra khỏi thuyền" - ông An chia sẻ.

Vừa qua, ông An đã nhận được tin vui khi Công ty Tư vấn và đầu tư Năm Sao (một doanh nghiệp khoa học công nghệ) đã quyết định đầu tư vốn để sản xuất thuyền thúng phao và tìm cách đưa sản phẩm này vào cuộc sống. Sau khi chứng kiến tính năng vượt trội của chiếc thuyền phao vào đầu tháng 9/2014, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng đã khẳng định: "Chúng tôi hết sức ủng hộ và mong muốn phát triển, nhân rộng sản phẩm này để thay thế thuyền thúng tre trong hoạt động đánh bắt cá và câu mực, câu cá ngừ đại dương. Với tình huống: một nhà khoa học đã có sáng chế và một doanh nghiệp muốn đầu tư sản xuất, Bộ KH&CN sẽ xem xét để đưa dự án này vào Chương trình 592 về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KH&CN, hoặc chương trình đổi mới công nghệ quốc gia và một số chương trình khác để hỗ trợ một phần chi phí sản xuất cho doanh nghiệp".