Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhà “siêu mỏng, siêu méo” trên đường Phạm Văn Đồng: Thiếu thống nhất trong quy hoạch

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong khi TP Hà Nội vẫn chưa xử lý được dứt điểm những công trình xây dựng nhà ở “siêu mỏng, siêu méo” đã tồn tại từ hơn chục năm nay, thì thời gian gần đây, các công trình dạng này lại tiếp tục mọc lên dọc tuyến đường Phạm Văn Đồng, thuộc dự án mở rộng tuyến Vành đai 3.

Nhiều công trình phát sinh
Khảo sát trên tuyến đường Phạm Văn Đồng (đoạn từ trụ sở Bộ Công an đến ngã tư Cổ Nhuế), hàng chục ngôi nhà “siêu mỏng, siêu méo” đang hoàn thiện giai đoạn cuối. Tất cả các công trình này đều nằm liền kề với mặt đường lớn. Những vị trí đất vốn nằm trong ngõ hẻm trước đây, nay đã được ra mặt tiền và trở thành “đất vàng” với giá hàng trăm triệu đồng mỗi mét vuông đất. Ở khu vực gần ngã tư Cổ Nhuế giao với Phạm Văn Đồng, nơi có nhiều ngôi nhà méo – mỏng cao tầng đang được gấp rút hoàn thiện, cá biệt có ngôi nhà với chiều rộng một góc chỉ chừng hơn 1m cũng đã được xây cao tới 5 tầng. Dọc tuyến từ Bộ Công an tới UBND phường Cổ Nhuế 1 (quận Bắc Từ Liêm), hàng chục ki ốt nhỏ, do không đủ điều kiện xây dựng cũng được mọc lên theo hình thức quây chắn tạm bợ bằng tấm tôn để phục vụ mục đích kinh doanh, bán hàng.
 Nhà ''siêu mỏng, siêu méo'' trên đường Phạm Văn Đồng. Ảnh:  Công Hùng 
Đường Phạm Văn Đồng từ Mai Dịch đến cầu Thăng Long, nằm trong dự án mở rộng tuyến Vành đai 3 của UBND TP Hà Nội, có tổng mức vốn đầu tư trên 3.100 tỷ đồng. Để thực hiện dự án này, TP đã tiến hành thu hồi gần 392.000m2 đất. TP đã tiến hành đền bù giải phóng mặt bằng cho 796 hộ gia đình, 55 cơ quan và đã bố trí cho 609 căn hộ chung cư tái định cư. Hiện nay, trên tuyến đường Phạm Văn Đồng, số lượng những mảnh đất sau khi đền bù GPMB không đủ điều kiện xây dựng rất nhiều. Chỉ tính riêng trên địa bàn phường Cổ Nhuế 1, trong số 79 trường hợp bị cắt xén, có 29 trường hợp không đủ điều kiện xây dựng theo Quyết định số 15/2011/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội, 50 trường hợp còn lại đủ điều kiện xây dựng, sửa chữa nhưng lại không đủ điều kiện về kết cấu hình dáng.

Phó Chủ tịch UBND phường Cổ Nhuế 1 Chu Việt Dũng cho biết, trong số những trường hợp sau khi GPMB còn đủ điều kiện xây dựng, sửa chữa trên địa bàn phường thì quận mới cấp Giấy phép xây dựng cho 5 trường hợp. “Các gia đình đã được quận cấp Giấy phép xây dựng đang tiến hành xây dựng, chúng tôi cũng đã thực hiện cưỡng chế 1 trường hợp không đủ điều kiện về diện tích và không được cấp giấy phép nhưng vẫn cố tình xây dựng. Nhiều gia đình chưa được phép xây dựng, cải tạo thì dùng tấm tôn để quây lại” - ông Chu Việt Dũng nói.

"Sau khi Quyết định số 15/2011/QĐ-UBND được ban hành, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã có Chỉ thị số 20/2016/CT-UBND về việc tăng cường quản lý đất đai, quy hoạch kiến trúc, cấp phép xây dựng, xử lý đất không đủ điều kiện mặt bằng xây dựng, kết hợp chỉnh trang hai bên tuyến đường mới mở. Nhưng đến nay vẫn tồn tại và phát sinh những trường hợp công trình xây dựng nhà ở “siêu mỏng, siêu méo” ảnh hướng đến trật tự và mỹ quan đô thị." - Thạc sĩ - KTS Trần Tuấn Anh

Trên thực tế, xây dựng công trình nhà ở “siêu mỏng, siêu méo” không phải là vấn đề mới xảy ra trên địa bàn Hà Nội. Theo thống kê của Thanh tra Sở Xây dựng, đến cuối năm 2018 vừa qua, TP có trên 130 công trình đã tồn tại từ trước 15/3/2005 (trước khi Luật Xây dựng được ban hành) trong đó tập trung chủ yếu ở các quận: Ba Đình, Tây Hồ, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân và chưa có dấu hiệu dừng lại khi nhiều tuyến đường mới đang tiếp tục được TP chấp thuận quy hoạch đầu tư, mở rộng. Điều đáng nói, từ khi có Luật Xây dựng đến nay, TP lại xuất hiện thêm hơn 60 công trình nhà ở “siêu mỏng, siêu méo” sau khi GPMB để thực hiện các dự án. Những ngôi nhà dạng này vẫn được xây dựng, có chiều cao từ 2 – 5 tầng, đa phần đều được trưng dụng vào mục đích kinh doanh, để tận dụng lợi thế mặt tiền.

Đi ngược lại với xu hướng quy hoạch, thiết kế đô thị

Theo đánh giá, việc thực thi theo đồ án sau khi được phê duyệt chưa đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu, chưa đồng bộ quy hoạch hai bên đường với kế hoạch mở đường sẽ vẫn phát sinh trường hợp nhà “siêu mỏng, siêu méo”. Hệ quả bộ mặt đô thị như sự chắp vá, thiếu đồng bộ về cảnh quan sau khi mở đường. Trên thực tế, phạm vi lập quy hoạch (tối thiểu 50m mỗi bên) đã được tuân thủ trong đồ án quy hoạch chi tiết hai bên tuyến đường.
Nhà ''siêu mỏng, siêu méo'' mọc lên sau dự án mở rộng đường Vành đai 3 trên tuyến Phạm Văn Đồng. Ảnh: Doãn Thành
Ông Chu Việt Dũng cho biết thêm, việc thực hiện thu hồi đất hai bên đường đồng thời với dự án mở đường là rất khó khăn do liên quan đến công tác GPMB và bố trí nguồn kinh phí của dự án (đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách). Trên thực tế, những dự án đầu tư xây dựng các tuyến đường giao thông mới chỉ bố trí nguồn vốn GPMB trong phạm vi mở đường, còn ở ngoài chỉ giới đường đỏ thì đều chưa xem xét về việc bố trí nguồn vốn đền bù trong quá trình chuẩn bị đầu tư.

Thạc sĩ, KTS Trần Tuấn Anh – Chuyên gia về quy hoạch đô thị nhìn nhận, những công trình "siêu mỏng, siêu méo" xuất hiện là do thiếu sự thống nhất trong công tác quy hoạch sử dụng đất, dẫn đến thừa ra những miếng đất không đủ diện tích xây dựng, nhưng nó vẫn thuộc quyền sở hữu của người dân.

Theo đánh giá của các chuyên gia, chính những lợi ích to lớn từ thương mại – dịch vụ của những mảnh đất mặt tiền nên ở một thế đất rất nhỏ vẫn được người dân tận dụng xây dựng, để lấy chỗ làm ăn, buôn bán. Thực tế không phải gia đình nào sau khi được đền bù cũng đủ khả năng tài chính để mua một mảnh đất mới hay một căn hộ mới. Nhưng những ngôi nhà “siêu mỏng” như thế, lại nằm ở vị trí mặt tiền đường lớn đã làm xấu đi bộ mặt kiến trúc của Hà Nội.

Theo Thạc sĩ, KTS Nguyễn Minh Ngọc – Hội KTS Việt Nam, sự đối lập trong thiết kế kiến trúc đã gây ra xáo trộn, những công trình như thế không chỉ khó trong thiết kế, mà còn tạo ra sự xung đột trong việc bố trí các tiện ích và không gian sử dụng. “Xét về tính thẩm mỹ và Luật Xây dựng, những công trình "siêu mỏng, siêu méo" đang đi ngược lại với xu hướng quy hoạch, thiết kế đô thị” - KTS Nguyễn Minh Ngọc chia sẻ.