Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhà tái định cư bỏ hoang: Sớm chuyển đổi mục đích sử dụng

Thành Luân - Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong khi nhu cầu về nhà thu nhập thấp của người dân rất lớn, thì cả chục tòa nhà tái định cư (TĐC), ký túc xá sinh viên tại Hà Nội xây dựng từ nhiều năm nay lại bỏ hoang. Tình trạng này khiến hạ tầng các dự án đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí nguồn lực xã hội và ảnh hưởng mỹ quan đô thị.

Nhiều dự án bỏ hoang, xuống cấp
Khảo sát một vòng tại địa bàn các quận Cầu Giấy, Hoàng Mai, Long Biên..., không khó để tìm thấy những dự án nhà chung cư TĐC nằm ở ví trí “đất vàng” đã được hoàn thiện từ nhiều năm qua, nhưng chẳng một bóng người ở, hạ tầng xuống cấp không được bảo trì. Đơn cử, như Dự án nhà TĐC N01-D17 Duy Tân (phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy) tọa lạc ngay tại ngã tư Duy Tân - Trần Thái Tông, bố trí cho hộ dân thuộc diện giải phóng, thu hồi đất phục vụ thi công đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài.
Khu TĐC này tiếp giáp với rất nhiều tuyến đường trọng điểm, nằm gần Công viên Cầu Giấy, tầm nhìn rộng rãi, thoáng đãng; gần nhiều trường đại học lớn như Thương Mại, Ngoại Ngữ, Đại học Quốc Gia, Sư Phạm... Dự án gồm 15 tầng nổi, 1 tầng hầm, căn hộ ở từ tầng 3 đến tầng 15. Được chia thành 4 đơn nguyên diện tích từ 50 - 87,5m2, mỗi đơn nguyên sẽ có 5 căn hộ, 2 thang máy cao tốc và 1 thang thoát hiểm.
Tòa nhà TĐC N01-D17 Duy Tân (Cầu Giấy) bị bỏ hoang, nấm mốc, hạ tầng xuống cấp (Ảnh: Thành Luân).
Được khởi công xây dựng từ năm 2010, nhưng thời điểm hiện tại đang trong tình trạng "đắp chiếu" chưa thể hoàn thiện, được lại bằng hàng rào tôn chằng chịt những thông tin quảng cáo. Ở bên trong, dây leo, cỏ dại mọc bám theo chân tường, cây cối cao quá đầu người che kín lối đi, nhiều mảng tường ẩm mốc, phế liệu vương vãi khắp nơi.
Tương tự, Dự án nhà TĐC N3 - N4 - N5 Khu đô thị Sài Đồng (phường Phúc Đồng, quận Long Biên), nằm cạnh khu Vinhomes Long Biên, hạ tầng giao thông hiện đại, đồng bộ nhưng 3 tòa nhà 6 tầng với 150 căn hộ vẫn bị bỏ hoang, nhiều hạng mục xuống cấp. Năm 2017, chủ đầu tư là Công ty CP Xây dựng số 3 Hà Nội (Hanco 3) đề xuất phá bỏ toàn bộ xây dựng nhà ở thương mại phục vụ nhu cầu TĐC theo nhu cầu của TP.
“Dự án này mười mấy năm nay không một ai đến ở, khu vui chơi, vườn hoa... trở thành nơi tăng gia sản xuất trồng rau xanh của các hộ dân ngay sát dự án" - bà Hoàng Minh Thu, một người dân sống gần dự án cho hay.
Qua số liệu thống kê, quận Hoàng Mai là một trong những địa bàn có số lượng nhà chung cư TĐC bị bỏ hoang nhiều, đặc biệt nằm ở phường Trần Phú, Hoàng Văn Thụ. Ngoài ra, còn rất nhiều khu nhà nằm ở vị trí "đắc địa" như chung cư 20 tầng tại phố Tạ Quang Bửu (quận Hai Bà Trưng) dù đã xong cả chục năm nay nhưng vẫn đang bị bỏ hoang.
Chuyển đổi tái sử dụng
Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, việc triển khai nhiều dự án phát triển hạ tầng đô thị cho nên nhu cầu GPMB, bố trí tái định cư cho người dân rất lớn. TP luôn chủ trương cải thiện chỗ ở cho người dân bị thu hồi đất tốt hơn hoặc ít nhất bằng nơi ở cũ, với nhiều chính sách ưu đãi dành cho các chủ đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà TĐC.
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nhà TĐC xây dựng dang dở hoặc đã hoàn thiện, nhưng chưa bố trí người dân đến ở do chưa hoàn thành nghiệm thu theo quy định, đặc biệt là về an toàn phòng cháy, chữa cháy.
Ngoài ra, không ít người dân trong diện tái định cư không muốn nhận căn hộ do lo ngại về chất lượng xây dựng nên muốn chủ động được nhận tiền để tự tái định cư.
 Tòa nhà TĐC phố Tân Mai (Hoàng Mai) không có người đến ở, xung quanh trở thành nơi tập kết rác thải. (Ảnh: Doãn Thành).
Trong khi đó, nhiều người dân thuộc diện TĐC cho rằng, thiết kế xây dựng ở một số dự án chung cư TĐC không đủ đáp ứng tiện ích cuộc sống. Đơn cử, dự án nhà TĐC hồ Đền Lừ III (Hoàng Mai), căn khoảng 60m2 chỉ có 1 phòng vệ sinh không phù hợp cho 1 gia đình 4 - 5 người sử dụng.
Theo KTS Trần Huy Ánh - Ủy viên thường vụ hội KTS Hà Nội, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhà TĐC không người ở do không đáp ứng được nhu cầu tối thiểu của họ; chất lượng xây dựng nhà TĐC kém so tiêu chuẩn, quy chuẩn, khi xây dựng không tham vấn ý kiến cộng đồng dân cư.
Bên cạnh đó, khâu đền bù không thỏa đáng do người dân không chấp nhận dẫn đến thất bại, hậu quả là nhà TĐC bỏ hoang. Trước mắt, để chủ động phòng, chống dịch Covid-19, bảo đảm an toàn cho Thủ đô, an toàn và sức khỏe cho Nhân dân, UBND TP có chủ trương, kế hoạch trưng dụng quỹ nhà TĐC (bao gồm cả khuôn viên xung quanh) sử dụng làm nơi cách ly, lập bệnh viện dã chiến.
"Về lâu dài, những toà TĐC nằm trên khu đất "vàng", được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước nhưng đến nay "bỏ hoang", không có người ở nên sớm tiến hành thu hồi lại và tiến hành tổ chức đấu giá, tạo lập nhà ở thương mại để bán cho những đối tượng TĐC tránh gây thất thoát, lãng phí đất đai" - KTS Trần Huy Ánh nhìn nhận.

Chung quan điểm, KTS Nguyễn Văn Thanh - Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam phân tích, nhu cầu của người dân về nhà ở giá thấp trên địa bàn Thủ đô rất lớn, cùng với nhà ở xã hội, chung cư tái định cư được xem là giải pháp tốt. Nhưng công trình xây dựng phải đảm chất chất lượng và nên khuyến khích hơn nữa nguồn lực xã hội hóa xây dựng dự án nhà ở thương mại phục vụ nhu cầu tái định cư trong thời gian tới.

Đến thời điểm hiện tại đã có 10 dự án nhà TĐC được UBND TP trưng dụng. Trong đó, 6 dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách, gồm: Dự án xây dựng nhà B, C (phường Trần Phú, Hoàng Mai); Dự án xây dựng nhà CT1, CT2 Khu tái định cư Xuân La (phường Xuân La, Tây Hồ); Dự án xây dựng nhà TĐC (phường Thượng Thanh, Long Biên); Dự án nhà ở cao tầng khu đô thị Đền Lừ III (Hoàng Mai); Dự án nhà ở TĐC ô đất C13/DD1 (phường Trần Phú, Hoàng Mai); Khu nhà ở di dân GPMB ô đất CT4 - Phú Diễn (Bắc Từ Liêm).

4 dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách: Dự án xây dựng nhà 30T1, 30T2 ô đất A14, khu đô thị Nam Trung Yên (Cầu Giấy); Dự án nhà ở thương mại phục vụ TĐC khu X2 Đại Kim (Hoàng Mai); Dự án nhà ở thương mại phục vụ TĐC theo cơ chế đặt hàng tại ô đất CT3 khu đô thị mới Nghĩa Đô (Cầu Giấy); Dự án khu nhà ở cao tầng ô đất 5.B3 Đông Hội (huyện Đông Anh).