Nhà tài trợ ấn tượng với “sức khỏe” của nền kinh tế Việt Nam

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Hội nghị thường niên lần thứ 16 của Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) chính thức khai mạc sáng 3/12, tại Hà Nội.

KTĐT - Hội nghị thường niên lần thứ 16 của Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) chính thức khai mạc sáng 3/12, tại Hà Nội. Chủ đề của hội nghị năm nay là “Phục hồi tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững”.

“Việt Nam đương đầu với khủng hoảng tốt hơn nhiều nước”
 
Đó là nhận định của ông Shogo Ishii, đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về những diễn biến kinh tế gần đây của Việt Nam. Cũng theo ông Ishii, sau khi suy giảm mạnh trong quý I, hoạt động kinh tế của Việt Nam đã hồi phục lại vào quý II và quý III năm 2009. IMF dự báo tăng trưởng GDP thực của Việt Nam sẽ khoảng 5,25% trong năm 2009 - mốc tăng trưởng cao nhất ở khu vực trong năm nay. 
 
Chia sẻ nhận định trên, ông Ayumi Konoshi - Giám đốc Ngân hàng Phát triển  Châu Á (ADB) tại Việt Nam khẳng định, đạt mức tăng trưởng GDP hơn 5% trong năm 2009 là một thành công đáng chúc mừng của Việt Nam. “Chính phủ Việt Nam đã có phản ứng nhanh và hiệu quả để giảm thiểu những tác động xấu của khủng hoảng kinh tế toàn cầu”
 
Trước đó, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho biết, cộng đồng các nhà tài trợ ghi nhận thành công ấn tượng của Việt Nam trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. WB đang cân nhắc tăng tài trợ cho Việt Nam thông qua nguồn vốn dòng vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn tín dụng lãi suất thấp cho các nước có thu nhập trung bình từ Ngân hàng Tái thiết phát triển (IBRD).  Các nguồn tài trợ tới đây sẽ tập trung hỗ trợ cho sự phát triển bền vững của Việt Nam, trong đó có mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu. WB hiện là nhà tài trợ đa phương lớn nhất của Việt Nam. 
 
Ghi nhận bên lề Hội nghị CG cho thấy, các nhà tài trợ sẽ dành những mức hỗ trợ tín dụng tốt nhất cho vấn đề cải thiện cơ sở hạ tầng, cải cách kinh tế và xây dựng nhân lực Việt Nam. Nhà tài trợ đa phương lớn thứ hai cho Việt Nam là Ngân hàng ADB cho biết đã phê duyệt tổng cộng 2,15 tỷ USD tài trợ mới cho Việt Nam trong năm nay, bao gồm các dự án năng lượng tái tạo, năng lượng sạch cũng như chương trình bảo lãnh để giúp huy động vốn từ các ngân hàng cổ phần. Đặc biệt, Hội nghị CG năm nay đánh dấu sự trở lại của Nhật Bản, số vốn ODA mà Nhật Bản cam kết tài trợ cho Việt Nam sẽ chính thức được công bố trong sáng nay (4/12).

“Sẽ trân trọng từng đồng vốn ODA”
 
Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn ODA đang có xu hướng chảy mạnh vào Việt Nam. Tổng giá trị ODA ký kết trong 2 tháng cuối năm 2009 ước lên tới trên 1,2 tỷ USD. Tổng vốn ODA ký kết năm 2009 có thể đạt mức trên 5,05 tỷ USD. Năm 2010, con số này dự kiến sẽ không giảm mà có thể còn tăng lên do sự xuất hiện của các kênh tín dụng mới, mặc dù các điều kiện ít ưu đãi hơn. 
 
Có thể thấy, sự “hào phóng” của các nhà tài trợ có được là nhờ khả năng phục hồi nhanh của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2009. Song chúng ta vẫn chưa thể quá lạc quan vào thời điểm mà kinh tế toàn cầu còn chậm hồi phục, triển vọng ngắn hạn của Việt Nam được dự báo là còn khá nhiều thách thức, đặc biệt là về xuất khẩu, chuyển tiền tư nhân và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Một số nhà tài trợ quan ngại khủng hoảng kinh tế sẽ ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án ODA ở Việt Nam. Đại diện Ngân hàng ADB, ông Konoshi khuyến cáo: “Vấn đề của Việt Nam là làm thế nào để đẩy nhanh việc thực hiện các dự án ODA đang triển khai, và những dự án mới”. 

Liên quan đến vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Việt Nam luôn trân trọng từng đồng vốn ODA và bảo đảm thực hiện các cam kết trách nhiệm cao với các nhà tài trợ. Chính phủ Việt Nam sẽ nỗ lực và tập trung chỉ đạo để nâng cao hơn nữa hiệu quả sử dụng nguồn ODA”. 

Thủ tướng cho biết, mục tiêu GDP tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2010 sẽ cao hơn năm 2009, khoảng 6,5%, khẳng định quyết tâm của Việt Nam trong việc hoàn thành các mục tiêu và nhiệm vụ của kế hoạch 5 năm 2006 - 2010. “Cùng với sự nỗ lực phấn đấu của chính mình, Chính phủ và nhân dân Việt Nam đánh giá cao và mong tiếp tục nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn hơn nữa của cộng đồng quốc tế” - Thủ tướng nói.