Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhà tập thể và một thời... chung!

Trần Thụ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù đã yên vị với ngôi nhà cỏ ở vùng nông thôn ngoại thành ngót một thập niên nhưng tôi vẫn không sao quên được 20 năm gắn bó với phố xá (đấy là cách nói cho sang mồm), mà thực chất là vật vạ ở những tập thể cũ; những dãy nhà trọ - cũng có thể gọi là “chung cư” ở nội đô - với những vui buồn lẫn lộn…

Nhà A1 khu tập thể 60 Thổ Quan. Ảnh: Vũ Cúc
Cuối những năm 80 của Thế kỷ trước, ký túc xá Mễ Trì từng là “ngôi nhà chung” của nhiều thế hệ sinh viên Đại học Tổng hợp Hà Nội. Trong cái “ngôi nhà chung” ấy, có chăng cái riêng của hầu hết sinh viên thời đó chỉ là chiếc hòm tôn. Năm thứ nhất, mỗi lần ra khỏi phòng còn mở mở, khóa khóa; sang năm thứ 2, cũng không mấy ai thèm khóa; bởi trong đó ngoài vài bộ quần áo cũ… thì cuộc sống sinh viên - tất cả đều chung. Từ lọ kem đánh răng, chút xà phòng giặt… Ra khỏi phòng, thì buồng tắm, nhà vệ sinh, bể nước, mạnh ai nấy dùng…
Bốn năm sinh viên, thoáng qua nhanh như một giấc mơ. Ra trường, là bắt đầu cuộc mưu sinh… sống mãi với Thủ đô. Bởi thế gần như những tập thể bình dân, xóm trọ ở mấy quận nội thành, chỗ nào cũng… in dấu. Nhưng có hai nơi làm chúng tôi không bao giờ quên, đó là Khu tập thể Dệt Kim (dốc Thọ Lão, phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng) và khu nhà gỗ (phố Vọng Hà, phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm), để lại cho chúng tôi nhiều nỗi khó quên!
Nếu ai chưa từng qua 2 chung cư nói trên, khó có thể hình dung ra cảnh sinh hoạt của con người nơi đây. Với lối thiết kế hành lang ở giữa, 2 bên bố trí các phòng ở (mỗi phòng chỉ rộng trên dưới chục mét vuông); vậy nên vào những ngày mất điện (đặc biệt là mùa Đông), trong phòng tối như hũ nút. Cuộc sống con người, ngoài ngủ nghê, người ta còn phải nấu nướng, ăn uống. Nhưng ở cái thời toàn thành phố đều “than khí hóa”, ngày 2 bữa, bếp than tổ ong phun khói mù mịt khắp khu nhà. Hỏa hoạn đã không ít lần xảy ra ở 2 khu tập thể này. Những lúc như vậy, người ta chỉ cốt chạy lấy người…
Với kết cấu gỗ với tuổi đời hàng chục năm, chỉ cần bọn trẻ con đùa nhau, sàn nhà đã rung lên bần bật; vậy nên trong sinh hoạt, tất cả cư dân khu nhà gỗ ở phố Vọng Hà, ai cũng phải thực hiện quy tắc đi nhẹ - nói khẽ! Kể cũng lạ, không hiểu sao những kiến trúc sư thời ấy lại có ý tưởng thiết kế phòng ở cho con người… Hàng trăm con người chung nhau mấy phòng vệ sinh, kiêm nhà tắm, vòi nước…
Cổ nhân có câu, “ở bầu thì tròn - ở ống thì dài”; trong hoàn cảnh khốn khổ như vậy, nhưng hơn nửa thế kỷ trôi qua, hàng trăm hộ dân vẫn sống với nhiều cung bậc vui buồn. Người ta có thể phát sinh mâu thuẫn và ngược lại cũng… nảy sinh tình người trong cái chung đụng thường ngày ở những khu tập thể nói trên. Dẫu rời xa những khu tập thể nói trên đã lâu, nhưng mỗi lần có dịp - chúng tôi vẫn ghé thăm nơi một thời mình từng tá túc. Sau hơn nửa thế kỷ, những dãy nhà già nua nói trên ngày càng xuống cấp; cái riêng không rõ, nhưng cái chung thì vẫn y nguyên…