Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhà thầu bị phạt đến 2 tỷ đồng nếu vi phạm trong lĩnh vực xây dựng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 11/7, với 100% đại biểu có mặt tán thành, HĐND TP đã thông qua Nghị quyết về “Quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng”. Nghị quyết này nhằm cụ thể hóa quy định tại khoản 2, Điều 20, Luật Thủ đô.

Nâng mức tiền phạt lĩnh vực xây dựng để tăng tính răn đe

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Quốc Hùng, thời gian qua Hà Nội đã ban hành nhiều chủ trương, giải pháp để lập lại trật tự trong lĩnh vực xây dựng, quản lý quy hoạch, quản lý đô thị, tuy nhiên lĩnh vực xây dựng ở Hà Nội vẫn còn nhiều bức xúc, nhất là trong khu vực nội đô - khu vực đặt trụ sở các cơ quan Trung ương Đảng và Nhà nước, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến không gian, cảnh quan, kiến trúc đô thị, văn minh đô thị… làm ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu lực, hiệu quả và trật tự quản lý nhà nước, tính nghiêm minh của pháp luật. Việc xử lý các hành vi vi phạm, công trình, bộ phận công trình vi phạm rất phức tạp và tốn kém. Năm 2012, có 3.028 trường hợp vi phạm, trong đó vi phạm không phép, sai phép, sai quy hoạch, sai thi công thiết kế 2.071, chiếm 68%; năm 2013, có 1.708 trường hợp vi phạm, trong đó vi phạm không phép, sai phép, sai quy hoạch, sai thi công thiết kế 1.148, chiếm 67%. Riêng 10 quận nội thành, năm 2013 có 580 trường hợp vi phạm, trong đó không phép, sai phép 486, bằng 84% tổng số vi phạm. Quý I/2014 (thời điểm thực hiện Nghị định 121/2013/NĐ-CP), tại 10 quận nội thành có 109 trường hợp vi phạm, trong đó xây dựng không phép, sai phép, sai quy hoạch 101 trường hợp, chiếm 92% tổng số vi phạm…
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND TP, Nghị quyết khi được thông qua là một trong các biện pháp chế tài mạnh, góp phần tăng tính răn đe, qua đó, từng bước nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn Thủ đô. Đây là một trong những đòi cấp thiết của công tác quản lý đô thị trong giai đoạn hiện nay.

Ông Hùng cho biết thêm, trên cơ sở cân nhắc kỹ về tính chất, mức độ nghiêm trọng, hệ quả mà các hành vi vi phạm, công trình vi phạm gây ra trong lĩnh vực xây dựng ở nội thành Hà Nội, UBND TP lựa chọn mức phạt tiền đối với một số nhóm hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng: Nhóm các hành vi vi phạm về điều kiện khởi công công trình; nhóm các hành vi vi phạm về xây dựng không phép, sai phép, sai quy hoạch, sai thiết kế, sai biện pháp thi công được duyệt; nhóm các hành vi vi phạm về tổ chức thi công không đảm bảo vệ sinh môi trường, xây dựng gây lún nứt, hư hỏng công trình lân cận hoặc công trình hạ tầng kỹ thuật; nhóm các hành vi không thực hiện ngừng cung cấp điện, cung cấp nước đối với công trình vi phạm trật tự xây dụng khi có quyết định đình chỉ thi công xây dựng công trình của người có thẩm quyền.

“Việc quy định nâng mức tiền phạt để tăng tính răn đe, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước lĩnh vực xây dựng, xử lý nghiêm khắc đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng, ảnh hưởng quy hoạch, kiến trúc, cảnh quan đô thị khu vực nội đô; mức tiền phạt quy định bằng 2 lần mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm hành chính trương ứng trong nghị định 121/2013/NĐ-CP của Chính phủ” - Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Quốc Hùng khẳng định.

Nhà thầu, chủ đầu tư bị phạt đến 2 tỷ đồng nếu vi phạm trong lĩnh vực xây dựng

Nghị quyết về “Quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng” quy định: Đối với nhà thầu có hành vi vi phạm quy định về thi công xây dựng bị xử phạt thấp nhất là 10.000.000 đồng, cao nhất lên đến 2 tỷ đồng. Các hình phạt cụ thể, phạt tiền từ tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi thi công xây dựng không có phương tiện che chắn; để rơi vãi vật liệu xây dựng xuống các khu vực xung quanh… Đối với hành vi thi công xây dựng công trình vi phạm các quy định về xây dựng gây lún, nứt công trình lân cận, công trình hạ tầng kỹ thuật: Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ ở đô thị; từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng, đối với xây dựng công trinh thuộc trường họp phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình hoặc lập dự án đầu tư xây dựng công trình… Phạt tiền đối với nhà thầu tiếp tục thực hiện thi công xây dựng đối với công trình đã bị người có thẩm quyền ban hành quyết định đình chỉ thi công xây dựng công trình như sau: Từ 200.000.000 đồng đến 600.000.000 đồng, đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ ở đô thị; từ 1.000.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng, đối với xây dựng công trình thuộc trường hợp phải lập báo cáo kinh tế-kỹ thuật xây dựng công trình hoặc lập dự án đầu tư xây dựng công trình...

Ngoài ra, trong vi phạm quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng: Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng, đối với hành vi thi công sai thiết kế đã được phê duyệt.

Đối với chủ đầu tư, trong trường hợp vi phạm về khởi công xây dựng công trình: Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng, đối với hành vi khởi công xây dựng công trình khi chưa đủ điều kiện khởi công. Đối với những vi phạm quy định về tổ chức thi công xây dựng phạt tiền thấp nhất là: 1.000.000 đồng, cao nhất 100.000.000 đồng. Đặc biệt, đối với một số hành vi vi phạm sau khi có biên bản vi phạm hành chính của người có thẩm quyền mà vẫn tái phạm thì tùy theo mức độ vi phạm, quy mô công trình vi phạm bị xử phạt từ 1.000.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng.

Bên cạnh đó, đối với vi phạm quy định về giám sát thi công xây dựng công trình, phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng; vi phạm quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng, phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng.

Đặc biệt, Nghị quyết quy định đối với hành vi không thực hiện ngưng cấp điện, cung cấp nước đối với công trình vi phạm trật tự xây dựng khi có quyết định đình chỉ thi công xây dựng công trình của người có thẩm quyền thì sẽ bị phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng.