Có nhiều năm tháng gắn bó với Thủ đô Hà Nội, cả về lĩnh vực công tác cũng như sáng tác văn học nghệ thuật, và đặc biệt là các ca khúc viết về Hà Nội trong số hơn 100 ca khúc được phổ thơ của ông. Vậy ông có thể chia sẻ một vài kỷ niệm đáng nhớ?
- Năm 1988, sau 5 năm du học ở Liên xô, tôi về nước, nhận công tác tại Hà Nội. Nghề báo, nghiệp văn và hoạt động quản lý trong ngành dân số, y tế từ đó cứ cuốn hút tôi, thấm thoắt đã 35 năm gắn bó với Thủ đô. Nếu nói về duyên nợ với những ca khúc viết về Hà Nội thì có 5 ca khúc là cơ duyên đưa tôi kết nối, gắn bó với 4 nhạc sĩ mà tôi vô cùng yêu quý, trân trọng.
Năm 2010, trong một cuộc gặp mặt tại Nha Trang, anh Hồ Quang Lợi - Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội lúc bấy giờ nói với tôi: “Công tác tuyên giáo nói chung và tuyên giáo Hà Nội nói riêng có đặc thù hết sức đặc biệt. Tiếc là chưa có bài thơ nào thật tâm đắc về lĩnh vực này, anh tìm hiểu và viết bài thơ về ngành tuyên giáo Hà Nội nhé”. “Đề bài” anh Hồ Quang Lợi đưa ra thú thật là cũng “hóc” đối với tôi vì cảm nhận vừa “khô” vừa khó tìm tư liệu thực tiễn để thăng hoa cảm xúc. Công tác tuyên giáo thường thầm lặng, ít xuất hiện trong các hoạt động xã hội. Để viết bài thơ này, tôi bắt đầu từ chính suy nghĩ, lòng yêu quý, cảm xúc của mình đối với chính người “đặt bài”- Bài thơ nhớ lời tâm tình với anh Hồ Quang Lợi. Tôi liên tưởng đến người cán bộ tuyên giáo như chiếc cần ăng-ten, nắm bắt từng bước sóng của lòng dân và cuộc sống: “Mẫn cảm với cuộc đời/ Cần ăng-ten thu từng bước sóng/ Nhịp đập lòng dân biển đời sôi động/ Ta lắng nghe như hơi thở chính mình”. Với trái tim nhạy cảm, tinh thần trách nhiệm và lòng đam mê, tâm huyết, họ thầm lặng dâng hiến, thầm lặng chắt chiu từng đốm lửa để nhen nhóm những điều tốt đẹp: “Khao khát bình yên góc phố bản làng/ Mong vợi nỗi đau trang đời giông tố/ Bắt mạch dòng tin, chắt nguồn thế sự/ Từ bốn phương tám hướng đổ về”. Nhiều tình huống nhạy cảm cần người cán bộ tuyên giáo phải xử trí thông minh, linh hoạt, vừa đảm bảo nguyên tắc của Đảng vừa phải mềm dẻo, nhuần nhuyễn và hiệu quả. Sau khi bài thơ đăng báo Nhân Dân, nhạc sĩ Văn Tiến đã phổ nhạc thành công ca khúc: “Thắp niềm tin cuộc sống”. Anh Hồ Quang Lợi hào hứng chia sẻ: “Đây là ca khúc viết về ngành tuyên giáo mà anh thực sự tâm đắc”.
Kỷ niệm thứ hai cũng xuất phát từ việc “đặt bài” của anh Hồ Quang Lợi. Đầu năm 2013, quận Long Biên chuẩn bị kỷ niệm 10 năm thành lập. Trong cuộc làm việc với chị Trần Thị Vân Anh, Phó Bí thư Quận ủy, anh Hồ Quang Lợi nói như đinh đóng cột: “Hôm nay tôi chính thức đề nghị nhà thơ Lê Cảnh Nhạc, là bạn tôi, Tổng Biên tập báo Gia đình & Xã hội viết một ca khúc chào mừng 10 năm thành lập quận Long Biên. Tôi nổi hứng lên nhận luôn, mặc dù mình chỉ làm thơ chứ đâu có viết nhạc. Nhưng với tình yêu Hà Nội, tôi tin các nhạc sĩ và tôi sẽ kết nối với nhau để thực hiện lời hứa này. Ngay tối hôm đó tôi viết bài “Sắc Xuân Long Biên”.
Tôi chuyển bài thơ cho tác giả “Hà Nội linh thiêng và hào hoa”- nhạc sĩ Lê Mây, người đã gắn bó với tôi gần chục ca khúc. Chỉ vài ngày sau, nhạc sĩ Lê Mây hào hứng gọi điện cho tôi: “Bài hát về Long Biên, về một Hà Nội mới, Hà Nội mở rộng, Hà Nội phát triển… hay lắm, mình sẽ cho thu thanh ngay”. Rồi ông hát cho tôi nghe qua điện thoại. Sau khi thu thanh, nhạc sĩ Lê Mây lại gọi điện cho tôi, phấn chấn: “Chương trình Văn học nghệ thuật của Đài Truyền hình Việt Nam sẽ phỏng vấn hai anh em mình và ghi hình ca khúc “Sắc Xuân Long Biên” vào thứ Bảy tuần tới. Năm đó, đúng đêm ba mươi Tết, chương trình VTV1 phát sóng bài “Sắc Xuân Long Biên” cùng nội dung phỏng vấn tôi và nhạc sĩ Lê Mây. Sau đó, bài hát còn được phát lại nhiều lần trong chương trình “Tác phẩm mới” của Đài Truyền hình Việt Nam. Quả là một ký niệm đáng nhớ.
Nhạc sĩ Đức Trịnh, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, và nhà thơ Lê Cảnh Nhạc cũng có rất nhiều duyên nợ trong việc phối hợp cho ra đời mấy chục ca khúc. Vậy duyên nợ của các anh trong các nhạc phẩm viết về Hà Nội là gì?
- Tôi và nhạc sĩ Đức Trịnh quả là rất có duyên với nhau. Năm 2017, trước thềm Xuân Đinh Dậu, Nhà hát kịch Việt Nam mời nhạc sĩ Đức Trịnh viết một ca khúc cho vở nhạc kịch về đề tài Hà Nội. Lấy bối cảnh Hà Nội năm 1946, người con gái đi xa, khắc khoải nỗi nhớ về Hà Nội, đêm đêm mơ về Thăng Long - Hà Nội hào hoa, văn hiến và những kỷ niệm đi suốt cuộc đời... Tôi được nhạc sĩ Đức Trịnh giao viết ca từ cho ca khúc này. Và ca khúc “Mơ về Hà Nội” với giai điệu sâu lắng, trữ tình, đầy thổn thức, khắc khoải được ra đời từ đó. “Mơ về Hà Nội” trở thành một trong những ca khúc mà sau đó nhạc sĩ Đức Trịnh rất tâm đắc trong các sáng tác của mình, và là “linh hồn” của vở nhạc kịch về Hà Nội của Nhà hát kịch Việt Nam.
Còn các ca khúc viết về Công an Hà Nội và những con đường Thủ đô… nhà thơ đã “se duyên” với các nhạc sĩ như thế nào?
- Năm 2019, Quận Bắc Từ Liêm kỷ niệm 5 năm thành lập. Công an và lãnh đạo quận mời các nhạc sĩ: Đỗ Hồng Quân, Đức Trịnh cùng các nhà thơ Vũ Quân Phương, Bằng Việt và tôi về dự lễ phát động cuộc thi sáng tác thơ về đề tài truyền thống ngành Công an và quận Bắc Từ Liêm. Ban tổ chức mời chúng tôi hưởng ứng, động viên phong trào bằng việc sáng tác các ca khúc về đề tài này. Nhạc sĩ Đức Trịnh “phân công” tôi viết ca từ cho một hành khúc về Công an Hà Nội. Đã có nhiều bài hát rất hay về công an Nhân dân. Tôi và nhạc sĩ Đức Trịnh cũng đã viết 3 ca khúc về đề tài này. Làm sao để không trùng lặp mọi người và không lặp lại chính mình? Với mục tiêu đó, tôi đã cố gắng hoàn thiện ca từ cho bài hát “Vì cuộc sống bình yên”.
Một thời gian sau, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân (nay là Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam) gọi điện cho tôi đề nghị viết về Bắc Từ Liêm. Ông bảo đã xem hơn 100 tác phẩm thơ dự thi về Bắc Từ Liêm nhưng chưa bắt được giai điệu nào cả. Tôi nghĩ ngay đến đề tài những con đường mới mở của Thủ đô Hà Nội, trong đó có con đường mang tên cố nhạc sĩ Đỗ Nhuận, nguyên Tổng Thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Nhận được bài thơ, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân nhắn tin trả lời: “Cảm ơn nhà thơ, tuần sau sẽ có bài hát mới mang tên “Âm vang những con đường”.
Chưa đầy một tuần sau, “Âm vang những con đường” được thu thanh và phổ biến rộng rãi. Giờ đây, “Âm vang những con đường” đã trở thành bài ca truyền thống của Bắc Từ Liêm, đều đặn hàng ngày được cất lên trên hệ thống phát thanh của quận.
Như là duyên nợ, và cũng là niềm vinh dự của tôi đối với Thủ đô Hà Nội, đó là dịp kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội, tôi được lãnh đạo TP đặt viết kịch bản, lời bình cho chương trình nghệ thuật tại lễ kỷ niệm sự kiện đặc biệt này. Cảm ơn Hà Nội đã cưu mang, nuôi dưỡng vun đắp tâm hồn tôi, lưu giữ trong tôi biết bao kỷ niệm quý giá về Thủ đô văn hiến - Thành phố Vì hòa bình.
Xin cảm ơn nhà thơ Lê Cảnh Nhạc về cuộc trò chuyện thú vị này!