Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhà thơ Trần Gia Thái làm Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 10/1, tại Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam, Hội Nhà văn Hà Nội đã tổ chức Đại hội Hội nhà văn lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2020-2025.

Trong hai phiên làm việc buổi sáng và chiều, Đại hội đã lắng nghe tham luận của các hội viên về vấn đề sáng tác, hoạt động văn chương. Nhiệm kỳ mới với chủ đề: “Văn học Thủ đô với việc xây dựng văn hóa, con người Hà Nội trong thời kỳ mới”, Hội Nhà văn Hà Nội hướng tới mục tiêu trở thành một tổ chức văn học có lý tưởng chính trị, lý tưởng nhân văn cao đẹp, tập hợp, đoàn kết tài năng.
 Ban chấp hành mới của Hội Nhà văn Hà Nội ra mắt. Ảnh: TTXVN.

Sau đó, Đại hội đã tiến hành bầu ra 9 hội viên vào Ban chấp hành. Danh sách các nhà văn được bầu vào Ban chấp hành Đại hội kỳ này gồm: Nhà thơ Bùi Việt Mỹ, nhà thơ Nguyễn Thành Phong, nhà thơ Trần Gia Thái, nhà thơ Nguyễn Thị Mai, nhà văn Y Ban, nhà thơ Trần Quang Quý, nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu, nhà thơ Lê Cảnh Nhạc và nhà thơ Nguyễn Việt Chiến.

Ban chấp hành đã bầu nhà thơ Trần Gia Thái (nguyên Tổng giám đốc, Tổng biên tập Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội) giữ chức vụ Chủ tịch Hội khóa mới. Ba Phó Chủ tịch gồm các nhà văn, nhà thơ: Y Ban, Bùi Việt Mỹ, Lê Cảnh Nhạc.

Hội Nhà văn Hà Nội gồm nhiều câu lạc bộ như Câu lạc bộ Văn học dịch, Câu lạc bộ thơ Tràng An, Câu lạc bộ Văn học trẻ trực thuộc Ban Nhà văn trẻ; các đơn vị trực thuộc Hội gồm 4 Ban chuyên môn (Ban Công tác hội viên, Ban sáng tác, Ban Nhà văn trẻ, Ban Nhà văn nữ), 4 Hội đồng nghệ thuật (Hội đồng Thơ, Hội đồng Văn xuôi, Hội đồng Lý luận phê bình, Hội đồng văn học dịch) và 2 Chi hội nhà văn khu vực: Chi hội nhà văn Hà Đông - Sơn Tây và Đông Anh - Sóc Sơn - Gia Lâm.

Phát biểu tại đại hội, NSND Trần Quốc Chiêm - Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội nhấn mạnh: Để ngày càng phát triển và trở thành một Hội nòng cốt của Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội, từng bước đưa nền văn học, nghệ thuật Thủ đô phát triển xứng với vị thế và tầm vóc của mảnh đất văn hiến và Anh hùng, Hội Nhà văn Hà Nội cần quán triệt sâu sắc các Nghị quyết của Đảng về văn hóa, văn học trong thời kỳ mới; cổ vũ hội viên sáng tạo những tác phẩm có chất lượng về tư tưởng, nghệ thuật, nhằm khẳng định và tôn vinh những giá trị cao quý, truyền thống tốt đẹp của Thăng Long - Hà Nội; vận động xã hội hóa trong việc đầu tư sáng tác, công bố, xuất bản, phổ biến các tác phẩm văn học có giá trị; đẩy mạnh giao lưu quốc tế và phát triển đội ngũ trẻ.