Nhưng một chút niềm vui, ấm áp trong những ngày mưa gió này, là họ không phải nằm, ngồi vạ vật ở ghế đá, gầm cầu thang như trước khi BV có nhà lưu trú miễn phí dành cho người bệnh.
Niềm vui của người bệnh
Đã 3 năm nay, năm nào ông Nguyễn Văn Nam (Hà Nam ) cũng phải đến BV K để điều trị ung thư vòm họng. Những đợt truyền hóa chất, xạ trị dài ngày khiến người ông vốn đã gầy lại càng tong teo hơn, nước da xám xịt, đôi mắt trũng sâu, thâm quầng, hai gò má hóp vào, tóc rụng hết, chỉ còn lưa thưa vài sợi. Ông cười mà nụ cười héo hon, chua chát, ông khóc mà nước mắt lặn vào trong. “Tôi là người may mắn cô ạ, đã sống được 3 năm kể từ ngày phát bệnh. Những bệnh nhân như chúng tôi người sống được vài tháng, người được 6 tháng, một năm đã ra đi hết rồi. Tôi sống thêm được ngày nào thì gia đình vui ngày ấy, vui đấy nhưng vất vả bội phần. Bảo hiểm chi 80%, còn lại, nhà tôi phải vay mượn khắp nơi mọi chốn để cho tiền chữa bệnh”. Những lần điều trị trước, ban ngày thì ông truyền hóa chất tại Khoa; không có tiền thuê nhà trọ, ban đêm, hôm thì ông ngủ trên ghế đá, hôm lại ngủ gầm cầu thang. Có hôm đang ngủ thì trời đổ mưa, ông phải ôm chăn chạy vội vào hành lang BV . Những hôm nồm trời, muỗi vo ve cả đêm, đốt sưng cả người. Lần này đến điều trị, được biết BV đã có nhà lưu trú dành cho người bệnh, dù chưa làm xong thủ tục nhưng ông phấn khởi vô cùng: “Thế là sắp có chỗ ngủ, chỗ nghỉ ấm cúng rồi. Trời rét này nằm gầm cầu thang buốt lắm!”.
Còn ông Hồ Nguyên Hoàng (Yên Thành, Nghệ An) bị ung thư thực quản, hiện đang điều trị tại Khoa Nội 3. Cũng như ông Nam , trước đây mỗi lần đến BV, cả ông và vợ - bà Chi đều vạ vật ở hành lang, gầm cầu thang BV. Từ mấy hôm nay, vợ chồng ông được BV bố trí một giường tại nhà lưu trú dành cho người bệnh. “Vừa không mất tiền thuê trọ, lại được ấm cúng, thoáng mát, giá như BV triển khai nhà lưu trú lâu rồi thì có phải từ trước đến nay chúng tôi đỡ phải vất vả hơn không. Nhưng giờ có là mừng rồi, muộn còn hơn không. Tôi mong BV nào cũng có nhà lưu trú như thế này để người nghèo chúng tôi có chỗ ngủ, nghỉ khi nằm viện” - bà Chi tâm sự.
Bệnh nhân Bùi Văn Tuấn (Vĩnh Phúc) cũng đang truyền hóa chất tại Khoa Nội, nhưng có hôm giường bệnh phải nằm ghép, anh lại xuống nhà lưu trú ngủ cùng anh trai mình là Bùi Văn Sáu. Chia sẻ với chúng tôi, anh Sáu cho biết, trước khi đến BV, nhờ đọc báo, anh đã biết thông tin về việc BV đưa nhà lưu trú vào hoạt động. Nhưng nghĩ bệnh nhân đông, số giường, phòng tại nhà lưu trú có hạn nên anh không hy vọng gì mình được ở miễn phí. Nhưng may mắn khi ngày đầu làm thủ tục nhập viện, anh đã được nhân viên giới thiệu, hướng dẫn làm thủ tục lưu trú tại đây. “Vậy là từ nay, con đường “chiến đấu” với bệnh tật của chúng tôi vơi đi rất nhiều nỗi khó khăn” - anh Sáu bày tỏ niềm vui.
Còn nhiều trăn trở
Khu nhà lưu trú dành cho bệnh nhân và người nhà gồm 3 tòa, nằm ngay sau tòa nhà điều trị của BV khá khang trang, sạch đẹp. Dù mới đi vào hoạt động, nhưng ngay trong ngày đầu tiên, số người đăng ký đã vượt qua con số 500 người, trong khi chỉ có 240 giường (theo hình thức giường tầng). Và đến nay, BV đã cơi nới cho 300 người ở, vì có người chỉ nghỉ vào ban ngày hoặc ban đêm. Vẫn biết nhu cầu của bệnh nhân rất lớn, nhưng trong điều kiện có thể, BV K cũng đã nỗ lực hết sức để xây dựng, lắp ghép trong thời gian rất ngắn (chỉ sau 2 tháng). Bày tỏ niềm vui được ở miễn phí trong nhà lưu trú, bác Nguyễn Thị Chiên (Phú Thọ) phấn khởi kể: “Cô không đến mà xem, ngay trong hôm đầu tiên, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân ở đây hát hò xuyên đêm, mừng được ở nhà mới miễn phí. Vậy là từ nay, bệnh nhân không còn cảnh vật vờ nữa rồi. Người bình thường đã mệt, người bệnh không có chỗ ăn chỗ nghỉ khổ vô cùng”.
PGS Trần Văn Thuấn – Giám đốc BV K cho biết, trong thời gian đầu, BV miễn phí hoàn toàn cho người dân khi vào ở tại đây. Sau một thời gian, BV sẽ chỉ thu tiền điện nước của người nhà người bệnh với giá khoảng 15.000 đồng/giường/ngày. “Giá này là quá rẻ so với trước đây chúng tôi phải thuê trọ bên ngoài 80.000 - 100.000 đồng mỗi ngày” - anh Phan Văn Trường (Hòa Bình) nói.
Là người đã nhiều năm gắn bó với bệnh nhân ung thư, PGS Trần Văn Thuấn thấu hiểu những niềm đau, nỗi buồn, những khó khăn, gian khổ của người bệnh. Và không nỗi đau gì hơn, không bất lực gì hơn khi thầy thuốc biết bệnh mà không thể cứu. Những điều ấy luôn làm ông trăn trở, day dứt, suy nghĩ. Với cương vị của mình, ông Thuấn đã phấn đấu, nỗ lực để làm được gì cho bệnh nhân trong khả năng có thể. Quá tải bệnh nhân ung thư, thiếu giường bệnh, thiếu cơ sở vật chất… đang là những vấn đề nan giải, không chỉ đối với BV K mà của cả ngành y tế, của đất nước. Nhiều lần đến thăm BV K T.Ư, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã bày tỏ nỗi day dứt vì vẫn còn cảnh bệnh nhân phải nằm ghép, người nhà bệnh nhân phải nằm gầm giường, gầm cầu thang, hành lang. Bộ trưởng yêu cầu BV phải thực hiện bằng được nhà lưu trú dành cho người bệnh, người nhà bệnh nhân. Dù trăm việc phải làm, dù thiếu thốn đủ bề, muôn vàn khó khăn, nhưng cả tập thể lãnh đạo BV đã quyết tâm xây nhà lưu trú – vì lợi ích, quyền lợi của người bệnh. Và công trình đã đi vào hoạt động, không chỉ niềm vui của người bệnh mà của cả những người thầy thuốc đang đêm ngày chiến đấu cùng bệnh nhân căn bệnh ung thư.
Được ở trong căn phòng lưu trú tại BV có lẽ là niềm mơ ước của nhiều người bệnh, người nhà bệnh nhân. 240 giường bệnh là sự nỗ lực không nhỏ của đơn vị, nhưng vẫn chưa thấm vào đâu so với nhu cầu thực tế. Để mọi bệnh nhân, người nhà người bệnh có được chỗ ngủ, nghỉ không chỉ là mong ước, chờ đợi của người bệnh, mà còn là sự phấn đấu của BV K nói riêng và các đơn vị y tế khác nói chung.
Chia tay bệnh nhân ung thư, chúng tôi cùng chung trăn trở với người bệnh khi họ đặt câu hỏi: Bao giờ người bệnh hết cảnh nằm ghép, bao giờ bệnh nhân và người nhà người bệnh không phải lo nghĩ chuyện ăn, chuyện ngủ khi có người thân nằm viện?