Nhà trọ bình dân – ẩn họa cháy nổ khôn lường: Bài 3: Phòng ngừa từ cơ sở

Đạt Lê – Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo đánh giá của Cảnh sát PCCC TP Hà Nội, nguy cơ cháy nổ tại nhà trọ, nhà ở trong các khu dân cư trên địa bàn Thủ đô vẫn diễn biến phức tạp.

Bài 3: Phòng ngừa từ cơ sở
Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, lực lượng chức năng cùng các chuyên gia đã đưa ra những ý kiến, giải pháp ngăn ngừa cháy nổ, đảm bảo an toàn về PCCC.
 Đại tá Nguyễn Tuấn Anh – Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội
Đại tá Nguyễn Tuấn Anh – Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội: Nâng cao ý thức, trách nhiệm cho người dân

Nguyên nhân của hầu hết của các vụ cháy xuất phát từ nguồn điện, nguồn lửa, đốt vàng mã. Hiện TP đang triển khai các phương án PCCC tốt nhất, trong đó, tuyên truyền cho người dân nghiệp vụ PCCC bằng nhiều hình thức. Đối với các khu dân cư truyền thống, cần tuyên truyền bằng tờ rơi, loa phát thanh, tin nhắn để người dân hiểu hơn về PCCC. Lực lượng PCCC & CNCH tiếp tục phối hợp với các cấp, các ngành trong công tác điều tra cơ bản. Trong đó, tập trung phân tích, đánh giá phân loại mức độ nguy hiểm cháy, nổ của từng loại hình cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC để đưa ra các biện pháp phòng ngừa thích hợp, hiệu quả. Đồng thời, tiến hành khảo sát, đánh giá lại những tồn tại, bất cập về cơ sở hạ tầng phục vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ để đề xuất giải pháp tháo gỡ… Với đặc thù của một đô thị lớn, mật độ dân số cao trong khi cơ sở hạ tầng, nhân lực, phương tiện PCCC còn nhiều hạn chế, để kiềm chế sự gia tăng của cháy, nổ trên địa bàn Thủ đô, rất cần sự nỗ lực vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành và tất cả các tầng lớp Nhân dân. Trong đó, ý thức, trách nhiệm về an toàn PCCC của mỗi người dân được nâng cao sẽ là một trong những yếu tố quan trọng để phòng ngừa, kiềm chế cháy nổ.

 Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Nguyễn Xuân Lưu
Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Nguyễn Xuân Lưu: Chú trọng tuyên truyền tới các chủ nhà trọ

Trên địa bàn quận Thanh Xuân, khu vực nhà trọ cho người lao động, sinh viên thuê ở và cư trú khá đông. Đặc thù nhà trọ trên địa bàn quận chủ yếu là nhà tạm, nhà cấp 4 cho thuê trong thời gian ngắn. Do vậy, điều kiện đảm bảo an toàn PCCC chưa thực sự được các chủ nhà trọ quan tâm, từ hệ thống điện, các phương tiện, trang thiết bị cần thiết để PCCC. Bên cạnh đó, ý thức của phần lớn những người thuê trọ coi đây là tài sản không phải của mình nên công tác PCCC của một bộ phận người ở trọ chưa cao. Chính vì vậy, UBND quận đã chỉ đạo Công an quận, Cảnh sát PCCC tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra các khu vực nhà trọ, là đối tượng được quan tâm đặc biệt. Trong đó, chú trọng tuyên truyền tới các chủ nhà trọ, có trách nhiệm trang bị những điều kiện cần thiết để phục vụ công tác PCCC. Qua chủ nhà trọ, tuyên truyền tới những người thuê nhà trọ, để hai đối tượng này coi công tác PCCC không chỉ là việc PCCC cho mỗi nhà của mình, mà cho khu vực, tài sản cũng như tính mạng của những người xung quanh.

Luật sư Nguyễn Anh Thơm – Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh, Hà Nội
Luật sư Nguyễn Anh Thơm – Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh, Hà Nội: Nhà trọ cấp 4 không thuộc danh mục cơ sở quản lý về PCCC
Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014 của Chính phủ nêu rõ danh mục các cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC, nhưng các dãy phòng trọ cấp 4 lại không thuộc danh mục cơ sở quản lý về PCCC nên không bắt buộc phải lập hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động. Đây là "lỗ hổng" khiến các chủ nhà trọ chưa ý thức được việc bảo đảm những quy định về PCCC. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, chủ nhà và người thuê phải thực hiện đầy đủ các điều kiện an toàn về PCCC như đối với hộ gia đình.

Nếu xảy ra vụ cháy ở nhà trọ, phải xác định được nguyên nhân vụ cháy, xác định được là lỗi của ai. Trường hợp cháy do lỗi vô ý, bất cẩn của cá nhân sống trong nhà trọ, là nguyên nhân trực tiếp phát sinh hỏa hoạn gây hậu quả thiệt hại về tính mạng, tài sản thì sẽ có dấu hiệu phạm tội Vi phạm quy định về PCCC. Người thuê nhà sẽ phải chịu trách nhiệm về vụ việc, chủ nhà không phải chịu trách nhiệm. Trường hợp nguyên nhân cháy là hành vi cố ý phóng hỏa đốt nhà gây thiệt hại về người và tài sản thì cá nhân đó sẽ phải chịu trách nhiệm về Tội giết người và Tội hủy hoại tài sản. Nếu có căn cứ xác định nguyên nhân gây hỏa hoạn là do chập cháy thiết bị điện trong phòng trọ thì được coi là rủi ro khách quan. Trong trường hợp này, chủ nhà trọ không có lỗi gây ra hỏa hoạn, không bị xử lý hình sự, mà chỉ bị xử phạt hành chính về vi phạm PCCC.
 TS Nguyễn Tuấn Anh – Phó Trưởng khoa Chữa cháy, Đại học PCCC
TS Nguyễn Tuấn Anh – Phó Trưởng khoa Chữa cháy, Đại học PCCC: Nhân rộng mô hình tốt

Các bộ, ngành quản lý về xây dựng cần sớm thống nhất đưa ra các quy định, quy chuẩn về loại hình nhà ở này nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế nhưng vẫn đảm bảo về an toàn PCCC. Lực lượng công an khu vực, quản lý nhân khẩu cần sâu sát hơn nữa, tích cực kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc ý thức của những cư dân xóm trọ chấp hành quy định PCCC. Cơ quan Cảnh sát PCCC cần tổ chức điều tra tổng thể nhằm nắm rõ tình hình liên quan đến cháy, nổ tại các xóm trọ, nhà ở kết hợp cho thuê đang tồn tại để tăng cường công tác phòng ngừa từ cơ sở.

Đối với bệnh nhân, người nhà bệnh nhân thì mới đây có mô hình khu nhà lưu trú. Bệnh viện Việt Đức đã đưa vào sử dụng khu lưu trú cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân với giá rất rẻ nhưng chất lượng đảm bảo. Hay ở Bệnh viện K (huyện Thanh Trì) cũng đã đưa vào hoạt động khu nhà lưu trú dành cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn. Đây là những mô hình cần được nhân rộng hơn nữa ở nhiều bệnh viện.