Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhà trường - doanh nghiệp cần nâng tầm hợp tác

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhà trường kết nối với DN không chỉ để đưa sinh viên (SV) đến thực tập mà còn phải nghiên cứu những vấn đề đối tác gặp phải mới mang lại hiệu quả.

 PGS.TS Hoàng Minh Sơn - Hiệu trưởng trường Đại học (ĐH) Bách khoa Hà Nội.
Đó là chia sẻ của PGS.TS Hoàng Minh Sơn - Hiệu trưởng trường Đại học (ĐH) Bách khoa Hà Nội.
Thưa ông, hiện nay nhiều trường chuyển sang đào tạo những ngành mới phù hợp với yêu cầu thị trường nhưng vẫn có trên 200.000 SV thất nghiệp. Ông có ý kiến gì về việc này?

- SV ra trường thất nghiệp có sự chênh lệch về nhu cầu thị trường và năng lực của người học. Điều này thể hiện ở sự khác nhau ở một số ngành đào tạo và năng lực SV được đào tạo ra. Ngay cả trong một ngành đào tạo cũng có sự chênh lệch giữa yêu cầu của nhà tuyển dụng về năng lực người học và năng lực thực sự có được khi ra trường. Vì thế, các trường khi mở ngành đào tạo phải khảo sát thị trường lao động và lấy ý kiến của DN. Nếu nhà trường xây dựng các chương trình đào tạo không phù hợp với yêu cầu DN thì chắc chắn SV ra trường khó tìm được việc làm.

Sự hợp tác giữa nhà trường và DN đang là giải pháp để giảm thiểu tình trạng SV ra trường thất nghiệp?

- Kết hợp giữa nhà trường và DN là điều hết sức cần thiết, nó quyết định đến chất lượng đào tạo. Hiện nay, nhiều SV Bách khoa Hà Nội tốt nghiệp đang giữ những vị trí chủ chốt trong công việc, vì vậy chúng tôi làm việc với các DN rất thuận tiện. Chúng tôi tạo ra được những mối quan hệ rất hữu ích từ việc đóng góp xây dựng chương trình đào tạo cho đến việc đưa SV năm 3, 4 vào thực tập tốt nghiệp và sau đó là việc làm. Thứ nữa là hợp tác trong nghiên cứu. SV ngày nay không chỉ học kiến thức mà còn qua nghiên cứu, làm việc với những đề án, dự án của DN. Quan hệ này hết sức quan trọng bởi ở bất cứ trường ĐH nào, việc đào tạo SV gắn chặt với yêu cầu của thị trường lao động và những gì các trường nghiên cứu đều phụ thuộc nhu cầu phát triển của DN.

Thực tế, nhiều cơ sở giáo dục hợp tác với DN nhưng hiệu quả mang đến cho hai bên không nhiều. Nhà trường đã triển khai theo các mô hình nào?

- Từ trước đến nay, chúng tôi thường đưa SV năm cuối đến các tập đoàn, DN thực tập. Gần đây, các tập đoàn lớn đến trường rất sớm, đặc biệt là hỗ trợ đưa một số môn học mà họ cần vào chương trình đào tạo. Ví dụ như Samsung Việt Nam yêu cầu trường dạy một số môn học trong lĩnh vực điện tử viễn thông và hàng năm có hỗ trợ kinh phí đào tạo, tặng học bổng cho SV, trang bị các phòng thiết bị thực hành. Mô hình này mang lại hiệu quả rất tốt, SV được làm quen, thực hành, thực tập và nhà trường giảng dạy các môn học đó có tính tín chỉ. Một mô hình khác chúng tôi làm việc với các tập đoàn ở trong nước, chẳng hạn như Bưu chính viễn thông Việt Nam đã xây dựng một số phòng thí nghiệm ở trong trường để sử dụng chung. Đây là nơi để nghiên cứu phát triển và đưa SV ĐH và sau ĐH vào cùng làm nghiên cứu và thực hiện những đề tài DN đặt hàng. Như vậy khi SV tốt nghiệp sẽ có những năng lực và kỹ năng DN yêu cầu.

Trong hoạt động kết nối, nhà trường có gặp những khó khăn?

- Chúng tôi rất mừng, khi gần đây làm việc với DN và thấy họ rất cởi mở, đi đúng hướng. Chúng tôi muốn tăng cường hợp tác hơn nữa trong công tác nghiên cứu bởi đào tạo chất lượng cao thì không đơn thuần chỉ là cung cấp kiến thức mà còn phải cho SV năm cuối và sau ĐH được làm thực tế với các DN đặt hàng. Khó khăn hiện nay là phần lớn DN có trình độ công nghệ còn thấp thì nhu cầu đặt hàng để nghiên cứu không nhiều. Vì thế, chỉ có DN lớn và DN nước ngoài sẵn sàng tích cực hợp tác với trường. Chúng tôi hy vọng, một vài năm tới khi trình độ công nghệ tăng lên, lúc đó sự hợp tác nhà trường – DN sẽ nâng lên cả về nghiên cứu và đào tạo.

Xin cảm ơn ông!