Nhà trường than khó

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Học sinh đi xe máy không đội mũ bảo hiểm trên đường Hoàng Cầu, quận Đống Đa. Ảnh: Phạm Hùng

Theo quy định của Sở GD&ĐT Hà Nội, các trường có học sinh (HS) không đội mũ bảo hiểm (MBH) khi ngồi trên xe mô tô, xe máy, xe đạp điện tới trường thì hiệu trưởng, giáo viên (GV) chủ nhiệm phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, lãnh đạo nhiều trường cho biết, rất khó để kiểm soát hành vi này…

Quy trách nhiệm cho hiệu trưởng

Ghi nhận của phóng viên, cũng như nhận định sơ bộ của ngành GD&ĐT trong các ngày từ 1 - 9/4, tại một số trường tiểu học, THCS và THPT, cơ bản HS, phụ huynh đã có ý thức đội MBH cho con. Hầu như tất cả các trường đều cho phụ huynh ký cam kết thực hiện nghiêm túc việc cho con đội MBH khi ngồi trên xe mô tô, xe máy, xe đạp điện tham gia giao thông; gửi tin qua sổ liên lạc điện tử vận động và nhắc nhở phụ huynh thực hiện việc này. Tuy nhiên, vẫn còn hiện tượng HS THCS, đặc biệt là HS THPT chưa thực hiện nghiêm túc việc đội MBH khi tham gia giao thông bằng xe máy, xe đạp điện.
Học sinh đi xe máy không đội mũ bảo hiểm trên đường Hoàng Cầu, quận Đống Đa. 	Ảnh: Phạm Hùng
Kinhtedothi - Học sinh đi xe máy không đội mũ bảo hiểm trên đường Hoàng Cầu, quận Đống Đa. Ảnh: Phạm Hùng
Được biết, để quy định của pháp luật về đội MBH được thực hiện nghiêm túc tại các nhà trường, lãnh đạo Sở GD&ĐT cho biết, ngay từ giữa tháng 3, Sở đã có văn bản yêu cầu các trường tăng cường tuyên truyền quy định bắt buộc đội MBH đến từng HS. Nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục ATGT, yêu cầu nhà trường tuyên truyền tới HS và phụ huynh HS quan tâm, tạo sự đồng thuận trong việc chấp hành quy định về đội MBH cho HS khi tham gia giao thông bằng xe mô tô, xe máy và xe đạp điện. Trong đó, tuyên truyền sâu rộng quy định của pháp luật về việc đội MBH trong các đơn vị trường học nhằm nâng cao nhận thức, ý thức về việc này. Ngoài ra, còn tập trung phát huy vai trò của các tổ chức trong nhà trường, đặc biệt là Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Đội Thiếu niên Tiền phong, Đội Sao đỏ trong việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền các quy định về đội MBH trong HS nhằm giảm thiểu vi phạm ATGT, TNGT liên quan đến HS.

Những người làm trong ngành giáo dục cũng đồng tình với quan điểm: Đội MBH không chỉ để đảm bảo an toàn cho các em khi tham gia giao thông mà còn là cách thức rèn luyện ý thức tuân thủ pháp luật cho HS. Vì vậy, Hà Nội sẽ kiên quyết thực hiện yêu cầu 100% HS đội MBH khi tham gia giao thông bằng xe mô tô, xe máy, xe đạp điện. “Hai đoàn kiểm tra liên ngành của Sở GD&ĐT và Công an Hà Nội được thành lập để kiểm tra công tác này từ ngày 1/4. Việc xử phạt sẽ thực hiện sau ngày 10/4 thay cho hình thức nhắc nhở. Ngoài hình thức xử phạt bằng tiền, nhắc nhở trước toàn trường, hạ hạnh kiểm…, trường nào có HS bị xử phạt sẽ bị trừ điểm thi đua toàn trường và quy trách nhiệm cho hiệu trưởng, GV chủ nhiệm. Tuy nhiên, sẽ không áp dụng hình thức đuổi học đối với các trường hợp HS vi phạm” - lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội khẳng định.

Không thể quản ngoài cổng trường
Từ 10/4, lực lượng công an sẽ bắt đầu xử phạt các trường hợp vi phạm cho đến khi không còn hiện tượng HS không đội MBH khi ngồi trên xe mô tô, xe máy, xe đạp điện tham gia giao thông. Lực lượng công an sẽ thành lập các tổ công tác tuần lưu trên đường, kịp thời phát hiện và xử phạt đối với các trường hợp HS không đội MBH. Mức phạt đối với HS từ 6 tuổi trở lên là 150.000 đồng. Những trường hợp vi phạm sẽ bị lập biên bản, gửi thông báo đến nhà trường, các bậc phụ huynh để phối hợp tuyên truyền, giáo dục, xử lý.
Tranh cãi đã xuất hiện xung quanh việc Sở GD&ĐT Hà Nội quy trách nhiệm cho hiệu trưởng khi trường có HS không đội MBH khi ngồi trên xe mô tô, xe máy, xe đạp điện tham gia giao thông, đồng thời nhà trường cũng bị xem xét cắt thi đua trong năm học. Là bởi vi phạm này thường xảy ra ở ngoài nhà trường, ngoài giờ học.

Đa số lãnh đạo các trường cho rằng, yêu cầu xem xét trách nhiệm của hiệu trưởng, GV chủ nhiệm trong trường hợp có HS không đội MBH đang gây khó cho các trường và GV. Đa số những người có trọng trách đứng trên bục giảng đều đồng tình nên để cho CSGT xử phạt HS và gửi danh sách về nhà trường. Dựa vào đây, nhà trường sẽ có hình thức xử lý, nhắc nhở trước toàn trường, hạ hạnh kiểm theo quy định. Như lãnh đạo trường THCS Ngô Sỹ Liên chia sẻ, từ đầu năm học, trường đã có yêu cầu phụ huynh, HS ký cam kết thực hiện Luật Giao thông đường bộ. “Trường chỉ có thể đảm bảo những HS có MBH mới được ra vào cổng trường. Còn ngoài phạm vi cổng trường, các em có đội hay không thì trường khó kiểm soát được” - lãnh đạo trường này nhận định.

Ông Đặng Đình Đại – Hiệu trưởng trường THPT Wellspring cũng đồng tình cho rằng, HS vi phạm bên ngoài, nằm ngoài phạm vi nhà trường về không thực hiện đội MBH mà quy trách nhiệm cho GV, lãnh đạo nhà trường là chưa hợp lý. “Nếu HS vi phạm mà quy trách nhiệm cho nhà trường, đây là việc khó khăn cho các trường, bởi mỗi trường có từ 1.000 - 2.000 HS, trường không thể đảm bảo xuể. Trong khi đó, HS vi phạm chủ yếu ngoài phạm vi nhà trường, vào ngày nghỉ… Theo tôi, nếu HS vi phạm thì để CSGT phạt thật nặng HS này và gửi tên tuổi về nhà trường, nhà trường sẽ có hình thức xử lý, theo từng mức độ nặng, nhẹ sẽ hạ hạnh kiểm. Còn các nhà trường có nhiệm vụ làm tốt việc tuyên truyền trong các buổi chào cờ, sinh hoạt lớp, sinh hoạt đoàn, đội; lồng ghép giảng dạy ATGT thông qua các giờ dạy trên lớp, các hoạt động ngoại khóa” - ông Đại phân tích.