Hàng ngày, nhà văn hóa tổ dân phố 13 (phường Kim Liên, quận Đống Đa, Hà Nội) luôn trong không khí vui tươi. Mọi người tập trung thành từng nhóm, người trẻ tập các tiết mục văn nghệ, người cao tuổi dành thời gian để ngâm thơ, cùng nhau hát những bài hát về Đảng, Bác Hồ.
Nhà văn hóa luôn sáng đèn, nhiều câu lạc bộ, hội, nhóm thường xuyên hoạt động. Buổi sáng, tại khu vực sân chơi, người già, trẻ nhỏ cùng nhau tập thể dục, dưỡng sinh. Đến trưa, chiều khi thời tiết nắng nóng, người dân lại cùng nhau đọc báo, chơi cờ. Nhà văn hóa trở thành một điểm đến gắn kết người dân, nâng cao đời sống tinh thần.
Hay tại phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, khu tập thể A3 trở nên sinh động nhờ mô hình sáng tạo “Cầu thang văn hóa”. Tận dụng khu vực chân cầu thang, các cán bộ về hưu của khu tập thể đã nảy ra sáng kiến xây dựng một tủ sách, báo để bà con có cơ hội cập nhật tin tức, nâng cao hiểu biết và cũng giúp mọi người gần gũi nhau hơn. Số lượng sách, báo có tại “Cầu thang văn hóa” của khu tập thể A3 phần lớn do bà con trong khu góp tiền mua về.
Trong khi đó, có một thực tế vẫn còn nhiều nhà văn hóa hiện nay đang trong tình trạng “cửa đóng then cài”. Nguyên nhân là do địa phương có nhà văn hóa nhưng gặp khó khăn trong kinh phí duy trì, sửa chữa xuống cấp, không đảm bảo nhu cầu sinh hoạt cho người dân, riêng huyện Mỹ Đức có 21 cơ sở xuống cấp.
Bên cạnh đó, nhiều địa phương gặp khó khăn trong kinh phí xây dựng mới. Cụ thể trước đây thôn đã có nhà văn hóa nhưng diện tích nhỏ, không đáp ứng được nhu cầu của người dân. Vì vậy, nhà văn hóa được chuyển đổi mục đích sử dụng. Theo thống kế của Sở VH&TT Hà Nội, số lượng những nhà văn hóa trong tình trạng như trên khá phổ biến, tập trung ở các huyện ngoại thành.
Trước thực trạng trên, đối với các địa phương không có nhà văn hóa do thiếu kinh phí, Sở VH&TT Hà Nội đã xuất TP Hà Nội hỗ trợ 100% nguồn vốn từ ngân sách TP để xây dựng. Đối với các địa phương gặp khó khăn về quỹ đất do vướng quy hoạch, thiếu kinh phí, GPMB, Sở VH&TT Hà Nội đề nghị các ngành liên quan hướng dẫn, đề xuất giải pháp thực hiện và chỉ đạo UBND các huyện chủ động bố trí kinh phí hoàn thiện trong năm 2020.
Ngoài ra, được biết, từ năm 2016, Sở VH&TT Hà Nội đã triển khai đề án “Nghiên cứu, khảo sát, thực hiện thí điểm mô hình tổ chức, hoạt động mới cho nhà văn hóa thôn trên địa bàn TP Hà Nội”. Từ đó có những nghiên cứu, đánh giá, kinh nghiệm tổ chức các hoạt động tại thiết chế văn hóa này được tốt hơn.
Từ những mô hình đầu tiên được thí điểm tại nhà văn hóa thôn Đoài, huyện Đông Anh như: Câu lạc bộ Di sản và ký ức, Câu lạc bộ Nghệ thuật trình diễn, Câu lạc bộ Làm hoa giấy... đến nay, đề án đã được triển khai ở một số quận, huyện, thị xã: Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Chương Mỹ, Sơn Tây. "Các mô hình này sẽ tiếp tục được nhân rộng tại nhiều địa phương trong thời gian tới, làm phong phú thêm các hoạt động văn hóa tại cơ sở, đáp ứng nhu cầu nâng cao đời sống tinh thần của người dân Thủ đô" - Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Tô Văn Động cho biết.
Bên cạnh đó, để tạo nguồn lực “nuôi” thiết chế văn hóa, nhiều nhà nghiên cứu đề xuất, có thể tổ chức riêng quỹ văn hóa cho nội dung này, cũng như áp dụng hình thức tổ chức hoạt động dịch vụ để huy động nguồn xã hội hóa trong Nhân dân. Từ đó, có điều kiện để duy trì các hoạt động miễn phí, phục vụ người dân.
Ngoài ra, các địa phương có thể tận dụng những hạt nhân văn hóa, văn nghệ ngay tại cơ sở để gây dựng phong trào. Còn đối với các quận nội thành, cần chiến lược dài hơi trong việc quy hoạch quỹ đất dành cho xây dựng nhà văn hóa của các tổ dân phố, phục vụ mục tiêu phổ cập thiết chế văn hóa ở cơ sở.
"Công tác quản lý và khai thác, sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao ngày càng hiệu quả góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần trong Nhân dân." - Phó trưởng phòng VH&TT quận Cầu Giấy Nguyễn Thị Xuân Nữ Hoàn thiện thiết chế văn hóa cơ sở là một trong những mục tiêu được Hà Nội quan tâm đặc biệt. Sau nhiều năm TP dồn lực và tích cực huy động xã hội hóa, đến nay, các thiết chế văn hóa đã “phủ sóng” 2.211/2.398 thôn (đạt 92,2%). Năm 2020, 7 thôn được đầu tư xây dựng nhà văn hóa. |