Nhà vệ sinh “2 trong 1”
Năm 2006, một nhà vệ sinh lắp ghép với diện tích 21m2 được xây dựng tại vườn hoa gần lối vào đền Ngọc Sơn. Theo quy hoạch, mặt trước nhà vệ sinh hướng ra hồ, phía hướng ra đường Đinh Tiên Hoàng sẽ là quầy bán hoa tươi, sách báo. Thế nhưng hiện nay, phần diện tích này đã bị người dân tự ý quây sắt thép mở hàng quán bán nước, thực phẩm, đồ ăn nhanh và kem. Chưa hết, hiện có nhiều nhà vệ sinh công cộng được tận dụng làm hàng quán bán trà nước đang diễn ra ngày càng phổ biến, đặc biệt tại những địa điểm đông đúc như nhà ga, công viên, điểm chờ các bến xe bus... Các hàng quán thường được thiết kế khá đơn giản. Đồ ăn, thức uống được bày biện trên những chiếc bàn nhựa, thùng xốp hoặc tủ sắt có bánh xe. Khi xuất hiện lực lượng trật tự tới truy quét, hàng hóa nhanh chóng được thu dọn, cất giữ vào trong thùng/tủ và di chuyển đi nơi khác. Vắng bóng cán bộ, hoạt động kinh doanh lại diễn ra như thường.
Khu vực nhà vệ sinh công cộng tại Bến xe Mỹ Đình bị lấn chiếm làm hàng quán.
Những nhà vệ sinh công cộng không chỉ được tận dụng để làm nơi bán trà, nước mà còn cho nhiều hoạt động thu lợi khác. Cụ thể, nhà vệ sinh công cộng phía trước cổng trường Đại học Thủy lợi, đã được người dân tận dụng, cơi nới để làm cửa hiệu photocopy.
Tình trạng này kéo dài đã làm mất mỹ quan đô thị, an ninh trật tự và gây bất tiện cho những người có nhu cầu đi vệ sinh cá nhân. Không ít người còn tỏ ra khá ngạc nhiên, thậm chí lắc đầu ngán ngẩm vì chẳng thể hiểu nổi tại sao nhiều người dân vẫn có thể ung dung ngồi thưởng thức đồ ăn, thức uống ngay bên cạnh các nhà vệ sinh công cộng?
Có cũng như không
Bên cạnh việc một số nhà vệ sinh công cộng được tận dụng tối đa cho mục đích kinh doanh, trên địa bàn Hà Nội vẫn còn không ít nhà vệ sinh đang bị… bỏ không! Như các khu nhà vệ sinh công cộng tại Cổ Nhuế (điểm cuối tuyến buýt số 14), nhà vệ sinh công cộng gần ngã 3 Ba La - Hà Đông, trên đường Phạm Hùng (đoạn giao cắt với đường Khuất Duy Tiến) hay tại chợ Dịch Vọng (đối diện Đại học Quốc gia Hà Nội)…
Hầu hết các nhà vệ sinh này đều khá vắng người sử dụng. Sau một thời gian đưa vào hoạt động nhưng không hiệu quả thì lại đóng cửa hoặc hoạt động rất cầm chừng. Khi đóng lúc mở, như thể tùy hứng! Có mặt tại ngã ba Ba La - Hà Đông vào khoảng 16 giờ chiều cuối tuần qua, chúng tôi chứng kiến một nhà vệ sinh công cộng khá khang trang, là công trình được xây dựng bằng nhôm thép cấu kiện cách đây khoảng hai năm. Tuy nhiên, nhà vệ sinh này lại đóng cửa im lìm. Khi được hỏi, anh Tuyên - một người lái xe ôm gần đó cho biết, nhà vệ sinh vẫn hoạt động nhưng thi thoảng lắm mới thấy cô lao công đến dọn (?!).
Không ít ý kiến cho rằng, việc nhiều nhà vệ sinh công cộng hiện bỏ không là do xây dựng thiếu quy hoạch, nơi cần không có, nơi có chẳng cần. Có người lại cho rằng, do người dân chưa có thói quen đi vệ sinh nơi công cộng… Tuy nhiên, dù vì lý do gì thì việc lãng phí tiền tỷ từ các công trình nhà vệ sinh công cộng này là điều mà ai cũng nhận ra. Nhà vệ sinh công cộng có thể được ví như một nét đẹp của đô thị văn minh. Thế nhưng, để đạt tới cái văn minh đó, không chỉ riêng các cấp bộ, ban, ngành mà bản thân mỗi người dân sẽ phải có những hành động thiết thực hơn nhằm góp phần tạo dựng nên nét đẹp văn hóa của Hà Nội ngàn năm văn hiến.