Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong - huyền thoại của dân ca Ví, Giặm

Bài, ảnh: Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hội thảo khoa học “Vai trò nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong với nền kịch hát dân ca Ví, Giặm” do Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam phối hợp cùng Sở VH&TT Nghệ An được tổ chức sáng 19/10, tại TP Vinh (Nghệ An). Tại hội thảo, hơn 30 tham luận đã được các nhà nghiên cứu, nghệ sĩ chia sẻ.

Trọn đời cho nghệ thuật
Theo Giám đốc Sở VH&TT Nghệ An Hồ Mậu Thanh, nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong (1929 - 1990, tại làng Vân Tập, xã Diễn Bình, Diễn Châu, Nghệ An), nguyên Phó Ty Văn hóa tỉnh Nghệ An, Phó Chủ tịch hội Văn học nghệ thuật tỉnh Nghệ Tĩnh là một nghệ sỹ có tài, có nhiều đóng góp to lớn cho nền sân khấu truyền thống tỉnh, nhất là sự hình thành và phát triển Kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh.
Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Nguyễn Thế Kỷ và các đại biểu xem các tư liệu, hình ảnh, hiện vật của Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong tại Hội thảo.             
“Dấu ấn lớn lao nhất là ông đã sống trọn một đời cho đam mê nghệ thuật, để hôm nay, dù đã gần 30 năm từ ngày đi xa và chắc chắn còn lâu hơn nữa, những tác phẩm của ông vẫn được người đời nhắc đến, được biểu diễn” - ông Hồ Mậu Thanh nhấn mạnh.
Trong sự nghiệp nghệ thuật của mình, Nguyễn Trung Phong để lại dấu ấn với nhiều tác phẩm, như: Vở Chèo “Nhắc lại” (1952) - giải Nhất hội diễn tỉnh Nghệ An; “Tấc đất, tấc vàng” (1956); “Chị Thảo” ( 1968); “Khi ban đội đi vắng” (1969); “Hạt lúa quê ta” (1970) - Huy chương Bạc Hội diễn sân khấu toàn quốc; “Vẫn còn ra trận” (1976); “Một cuộc đời” (1980) - tham dự Hội diễn sân khấu toàn quốc 1980; “Ngọn lửa không bao giờ tắt” (1981); “Giữa vụ cày”(1983) - Huy chương Vàng Hội diễn sân khấu Nghệ Tĩnh; “Nhóm sản xuất đồng chí Liêm” (1986).
Đặc biệt, vở Chèo “Cô gái sông Lam” với 5 màn diễn đặc sắc đã đưa sân khấu Chèo Nghệ An lên một tầm cao mới. Vở diễn đã giành được 4 Huy chương Vàng, 4 Huy chương Bạc tại Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1962.
 
Ngày 27/5/1962, Đoàn chèo Nghệ An vinh dự được diễn vở “Cô gái sông Lam” tại Phủ Chủ tịch. Sau khi xem, Bác Hồ đã khen ngợi và trao Huy hiệu của Người cho tác giả Nguyễn Trung Phong ngay trên sân khấu. Năm 1975, vở được chuyển sang hình thức Kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh và từ đó tới nay vẫn còn tiếp tục được biểu diễn phục vụ công chúng.
Nguyễn Trung Phong đã để lại cho đời làn điệu “Giận mà thương” bất hủ. Tác phẩm này trở thành một điệu hát phổ biến và là chất liệu cho nhiều nhạc sĩ sáng tác các ca khúc nổi tiếng sau này. “Cùng với Nguyễn Trung Giáp, Phan Thế Phiệt, ông đã đặt nền móng cho sự hình thành và phát triển của Kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh.
Đặt vào vị trí xứng đáng
Bàn về vấn đề vị trí của Nguyễn Trung Phong, nhạc sĩ Hồ Hữu Thới cho ý kiến đánh giá: 
Thứ nhất, Nguyễn Trung Phong là người khởi đầu cho việc thể nghiệm sân khấu hóa dân ca xứ Nghệ. Thứ hai, dù trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh, nhưng ông vẫn tập hợp được những người có tâm huyết với dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ để sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn và phát huy di sản dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ.
Để thế hệ sau này tiếp tục sự nghiệp của ông hoàn thành sự nghiệp bảo tồn và phát huy, được UNESCO công nhận dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Thứ ba, với vai trò là nhà viết kịch, ông đã tham gia viết những vở kịch ngắn để thể nghiệm sân khấu hóa dân ca xứ Nghệ thời kỳ đầu, tạo tiền đề cho công tác thể nghiệm sân khấu hóa dân ca xứ Nghệ sau này và đã được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận kịch hát dân ca xứ Nghệ là một bộ môn kịch hát truyền thống, chuyên nghiệp của dân tộc.
Thứ tư, kịch bản của ông gần gũi với bộ môn kịch hát truyền thống của dân tộc, nên khi ông viết ra những kịch bản đưa vào thể nghiệm sân khấu hóa dân ca xứ Nghệ đều rất thuận lợi. Thứ năm, là nhà viết kịch nhưng ông đã đóng góp cho sự thành công về thể nghiệm làn điệu cải biên, dân ca Ví Giặm xứ Nghệ, đó là làn điệu “Giận mà thương”. Thứ sáu, với vai trò là nhà quản lý văn hóa, ông đã góp phần xây dựng phong trào văn hóa, văn nghệ chuyên nghiệp và không chuyên trong toàn tỉnh...
Về vai trò của nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong, NSND Lê Tiến Thọ - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam đúc kết: Để tiếp tục và phát huy giá trị nghệ thuật các tác phẩm của nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong, cần tiếp tục đánh giá toàn diện, xác đáng giá trị nghệ thuật của các tác phẩm; Quan tâm, dàn dựng lại các vở kịch, làn điệu do nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong sáng tác vào những thời điểm hợp lý...; Tổ chức sưu tầm, biên tập, xuất bản các tác phẩm của nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong.

"Nhiều ý kiến như PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, nhà viết kịch Lê Quý Hiền, nhà thơ Thụy Kha, nhạc sĩ Thanh Lưu... đều cho rằng, gia đình cùng với các cơ quan chức năng quan tâm làm hồ sơ gửi các cấp theo Luật Thi đua Khen thưởng, đề xuất tặng Giải thưởng Nhà nước đối với nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong trong thời gian tới vì những cống hiến của ông với nền kịch hát dân ca Ví, Giặm." - NSND Lê Tiến Thọ