Để có được quyển sách này, nhà báo Nguyễn Minh Đức và tôi đã dày công sưu tầm, tuyển chọn những tác phẩm kịch bản tiêu biểu của nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong cùng những bài viết, tham luận của các nhà khoa học lĩnh vực sân khấu, các nhà thơ, nhạc sĩ, nghệ sĩ ở T.Ư và quê hương xứ Nghệ.
Quyển sách được Nhà xuất bản Văn học nỗ lực biên tập nội dung, chỉnh sửa rất công phu và đầy trách nhiệm, đồng thời in ấn và phát hành trên toàn quốc, giới thiệu cùng bạn đọc cả nước về một con người suốt đời tận hiến sức lực, trí tuệ của mình cho nền kịch hát dân ca xứ Nghệ nói riêng, nền sân khấu Việt Nam nói chung, đó là: Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong. Đọc quyển sách này, chúng ta sẽ hiểu được một tài năng hiếm có được sinh ra nơi miền đất nghèo khó Đồng Giặm, ruộng lúa nương khoai bao quanh ngọn núi Hai Vai (Lưỡng Kiên Sơn) và (Hổ Lĩnh). Miền quê xưa Diễn Bình, Diễn Minh nay là xã Minh Châu có dòng sông Bùng ôm mảnh đất này. Nơi đây hơn 400 năm về trước, dòng họ Nguyễn được ra đời hình thành và phát triển, một dòng họ liên tục có 7 đời khoa bảng. Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong thuộc chi họ Nguyễn Trung, một dòng họ văn chương đã sản sinh ra nhiều nhân tài trong lĩnh vực văn học nghệ thuật.Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong (1929 - 1990) tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1950 và cũng từ đó ông bắt đầu cầm bút. Gần 40 năm với sự nghiệp sáng tác, ông đã để lại trên 30 tác phẩm kịch bản sân khấu ở các thể loại chèo, cải lương, kịch hát, hoạt cảnh dân ca Nghệ Tĩnh.Phần 1 trong quyển sách này xin giới thiệu cùng bạn đọc 9 tác phẩm tiêu biểu của nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong mà đỉnh cao nghệ thuật gồm 2 tác phẩm đó là" Cô gái sông Lam " và "Khi ban đội đi vắng". Vở chèo "Cô gái sông Lam" là kiệt tác được ra đời năm 1961 nhằm ca ngợi tinh thần yêu nước bất khuất của người dân xứ Nghệ trong phong trào Xô viết Nghệ - Tĩnh (1930 - 1931).Ngọn lửa căm hờn của người dân nô lệ được tác giả Nguyễn Trung Phong tái hiện trên sân khấu chèo Nghệ An và hội diễn toàn quốc năm 1962, tác phẩm đã dành 4 Huy chương Vàng, 4 Huy chương Bạc cá nhân. Đoàn chèo Nghệ An vinh dự được biểu diễn cho Bác Hồ xem tại Phủ Chủ tịch, tối 27/5/1962. Sau khi diễn xong, đoàn chèo Nghệ An được Bác biểu dương và tặng quà, riêng tác giả Nguyễn Trung Phong được Bác Hồ tặng huy hiệu của Người. Đến năm 1973, tác phẩm "Cô gái sông Lam" được chuyển thể thành kịch hát dân ca và từ đó đến nay liên tục được biểu diễn trên sân khấu.Vở "Khi ban đội đi vắng" được ra đời năm 1967 thời kỳ hợp tác hóa nông nghiệp, giai đoạn chiến tranh chống Mỹ rất ác liệt. Tác giả đã xây dựng hình ảnh người nông dân với vai trò làm chủ tập thể, đấu tranh tư tưởng cá nhân chủ nghĩa, vở kịch ra đời được đông đảo công chúng đón nhận. Sau đó tác giả Nguyễn Trung Phong đã phát triển thành làn điệu "Giận mà thương" để biểu thị hết sắc thái tình cảm của nhân vật. Làn điệu "Giận mà thương" về sau còn là đề tài cho nhiều nhạc sĩ sáng tác về xứ Nghệ, tiêu biểu là "Trông cây lại nhớ đến Người" của Đỗ Nhuận, "Người về thăm quê" của Thuận Yến...Phần 2 là những bài viết, bài tham luận của các nhà khoa học, nhà thơ, nhạc sĩ, nghệ sĩ, các nhà quản lý văn hóa đã trình bày tại hội thảo "Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong với nền kịch hát dân ca Ví Giặm". Các tác giả đã dành tình cảm chân thành, phân tích, đánh giá vai trò của nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong với nền kịch hát dân ca Ví Giặm, các bài tham luận đã làm sáng tỏ sự đóng góp to lớn về lĩnh vực sân khấu nước nhà nói chung và sân khấu Nghệ Tĩnh nói riêng, khẳng định những tác phẩm của Nguyễn Trung Phong đã góp phần lớn để UNESCO vinh danh dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh là di sản phi vật thể của nhân loại.Trong quyển sách này, bài viết của PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - Chủ tịch Hội đồng lý luận, phê bình văn học nghệ thuật T.Ư đã ghi nhận sự đóng góp đầy trách nhiệm, tâm huyết, tài năng của nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong ở nhiều góc độ vừa là tác giả, vừa là nhà quản lý ngành văn hóa suốt hơn 30 năm công tác.Các tác giả tham luận đã cho chúng ta thấy Nguyễn Trung Phong một con người hội tụ Đức – Tâm - Trí đã để lại cho đời những tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao, để lại trong lòng bè bạn, gia đình một hiền tài, yêu thương gần gũi với mọi người.Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong đã đi xa, giờ chỉ còn lại những ký ức vẻ vang về một thời trên sân khấu, còn lại những tác phẩm sống mãi trong lòng công chúng xứ Nghệ và cả nước. Cuốn sách quý này sẽ mãi mãi là tài sản của quê hương, những tác phẩm, những tâm tư của nhiều tác giả là lời tri ân sâu sắc đến hương linh nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong.