Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhà xuất bản chi thù lao cho lãnh đạo Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh: Vi phạm Luật Phòng, chống tham nhũng

Hà Bắc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc nhà xuất bản (NXB) chi thù lao cho lãnh đạo Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh không những khiến dư luận lo ngại việc thiếu khách quan trong chọn sách giáo khoa (SGK) mà còn đã bộc lộ dấu hiệu vi phạm pháp luật về công chức, về Luật Phòng, chống tham nhũng. UBND TP Hồ Chí Minh đã có công văn khẩn yêu cầu Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh giải trình vấn đề này.

Tham khảo sách giáo khoa tại nhà sách Tiến Thọ, Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
Dấu hiệu không khách quan, xung đột lợi ích
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, ông Nguyễn Tiến Trung - Giám đốc Công ty Luật Trung Nguyễn cho rằng: “Việc một NXB trả thù lao cho nhiều cán bộ, công chức có vị trí cao ở Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh đã bộc lộ những dấu hiệu vi phạm pháp luật về công chức, về Luật Phòng, chống tham nhũng, trong đó nêu rõ những hành vi không được làm”.
Ở diễn biến liên quan, Bộ GD&ĐT khi trả lời báo chí có nêu quy định của Luật Xuất bản, cho rằng, việc liên kết với tổ chức, cá nhân trong hoạt động xuất bản quy định trách nhiệm của tổng giám đốc, giám đốc NXB. Do đó, tổng giám đốc hay giám đốc NXB phải chịu trách nhiệm về đối tác, hình thức liên kết và giao hợp đồng liên kết đối với từng NXB phẩm... Ngoài ra, nếu đối tác liên kết xuất bản là cán bộ, công chức thì phải tuân thủ quy định của Luật Công chức, Luật Phòng, chống tham nhũng.
Ông Trung dẫn giải, tại Điều 20 Luật Phòng, chống tham nhũng quy định về quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn nêu rõ hành vi không được làm: “Tư vấn cho DN, tổ chức, cá nhân khác ở trong nước và nước ngoài về công việc có liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật công tác, công việc thuộc thẩm quyền giải quyết hoặc tham gia giải quyết”. Vậy, theo phân tích của ông Trung, nếu đối chiếu với tài liệu liên quan việc trả thù lao giữa NXB Giáo dục Việt Nam với các lãnh đạo Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh đã thấy những biểu hiện vi phạm quy tắc ứng xử nói trên. Bởi, trong Quyết định số 778 của NXB Giáo dục Việt Nam ban hành ngày 29/9/2015 nêu nội dung là “Chi thù lao Ban Chỉ đạo biên soạn bộ SGK miền Nam thuộc Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh”. Trong khi đó, “ai cũng hiểu sự ảnh hưởng của lãnh đạo Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh tới việc lựa chọn SGK. Như thế, khó đảm bảo tính khách quan trong việc chọn SGK tới đây” – ông Trung lập luận.
Cùng soi chiếu với quy định trong Luật Phòng, chống tham nhũng với việc NXB Giáo dục Việt Nam trả thù lao cho nhiều lãnh đạo Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh, TS Lê Văn Thiệp – Trưởng văn phòng luật sư Toàn Cầu cho rằng, đã bộc lộ xung đột lợi ích, thiếu công tâm và triệt hạ những đối thủ liên quan. TS Lê Văn Thiệp dẫn chứng: “Hành vi trả thù lao này có dấu hiệu vi phạm Điều 23 về Kiểm soát xung đột lợi ích trong Luật Phòng, chống tham nhũng. Điều luật nêu rõ, người được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ nếu biết hoặc buộc phải biết nhiệm vụ, công vụ được giao có xung đột lợi ích thì phải báo cáo người có thẩm quyền xem xét, xử lý. Hay ở khoản 3 điều luật này cũng khẳng định, người trực tiếp quản lý, sử dụng người có chức vụ, quyền hạn khi phát hiện có xung đột lợi ích và nếu thấy việc tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, công vụ không đảm bảo tính đúng đắn, khách quan, trung thực thì phải xem xét, áp dụng các biện pháp, trong đó có đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ. Vậy, khi NXB Giáo dục Việt Nam trả thù lao cho nhiều lãnh đạo Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh, ai dám bảo đảm họ sẽ công tâm trong việc lựa chọn SGK cho địa phương mình và không thiên vị cho NXB này?”.
Cần làm rõ nguyên tắc chi trả của Quỹ đầu tư xuất bản
Phân tích những dấu hiệu sai phạm trong việc trả thù lao nêu trên, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Chiến – Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, trong quyết định trả thù lao bộc lộ 2 vấn đề đáng lưu ý.
Trước hết, theo ông Chiến đó chính là căn cứ chi trả. “Đây là một quyết định chi thù lao nhưng không thể hiện bất cứ căn cứ, nguyên tắc tài chính nào. NXB Giáo dục Việt Nam chỉ căn cứ vào các tài liệu, như chuyển NXB Giáo dục sang tổ chức và hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con; tổ chức lại NXB Giáo dục thành Công ty mẹ...; chuyển Công ty mẹ - NXB Giáo dục Việt Nam thành Công ty TNHH Một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu... Và, cuối cùng là căn cứ vào đề nghị của Trưởng ban Tổ chức – Nhân sự. Như vậy, ở đây là biểu hiện của sự tùy tiện” – ông Chiến nói.
Cũng theo Chủ nhiệm Đoàn luật sư TP Hà Nội Nguyễn Văn Chiến, cần làm rõ nguyên tắc chi trả của Quỹ đầu tư xuất bản. Bởi lẽ, tại quyết định trả thù lao, NXB Giáo dục Việt Nam viện dẫn “nguồn chi” từ “Quỹ đầu tư xuất bản”.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Chiến đưa giả thiết: “Cơ quan chức năng cần làm rõ nguyên lý hoạt động của Quỹ Đầu tư xuất bản của NXB Giáo dục Việt Nam. Cần xem xét quỹ này có được chi trả thù lao cho các lãnh đạo Sở GD&ĐT hay không? Có hoạt động đúng pháp luật hay không, hay chỉ lập ra để các bên chia chác lợi ích?”.
UBND TP Hồ Chí Minh yêu cầu Sở GD&ĐT giải trình
Trước phản ánh từ cơ quan báo chí, trong đó có báo Kinh tế & Đô thị đã thông tin đa chiều xung quanh vụ việc này, Văn phòng UBND TP Hồ Chí Minh đã có công văn khẩn gửi Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh truyền đạt chỉ đạo của Phó Chủ tịch Thường trực UBND Lê Thanh Liêm. Theo đó, yêu cầu Sở GD&ĐT phải giải trình nội dung liên quan tới việc Sở này có nhiều lãnh đạo đã nhận thù lao của NXB Giáo dục Việt Nam.