|
Toàn cảnh vi phạm tại khu vực ngõ 24 đường Ngọc Trục, phường Đại Mỗ (quận Nam Từ Liêm) |
Nhà xưởng, lán trại vi phạm “vây” trụ sở phường
Vào những ngày nắng nóng cao điểm tháng 6/2021, phóng viên có mặt tại khu vực ngõ 24 đường Ngọc Trục, phường Đại Mỗ (quận Nam Từ Liêm) ghi nhận hàng loạt nhà xưởng, kho bãi được dựng tạm bợ, quây tôn tiếp tục hoạt động, sản xuất kinh doanh rầm rộ. Chốc chốc lại có từng lượt xe tải vào bốc/thả hàng cuốn theo làn khói bụi mờ mịt cả đoạn đường.
Ở đây có đủ cả, từ các xưởng gỗ, cửa hàng vật liệu, cửa hàng khung nhôm kính, bãi xe, kho chứa hàng điện tử - điện lạnh đến những nhà kho lúc nào cũng đóng cửa im lìm, không rõ có gì bên trong. Dưới cái nắng gắt lên tới 40 độ C, đám vật liệu, gỗ, bình ga điện lạnh thấp thoáng sau các mái tôn tạm bợ, cộng thêm hệ thống dây diện nhằng nhịt tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cực kỳ cao cho khu vực.
Ngoài Đại Mỗ, trên địa bàn quận Nam Từ Liêm hiện còn tồn tại nhiều điểm nóng về việc để nhà xưởng, lán trại trái phép ''mọc'' trên đất nông nghiệp, đất Dự án như ở phường khu vực đường K2 Cầu Diễn, một số khu vực phường Mỹ Đình 2…
|
Hầu hết những nhà xưởng, nhà kho, cơ sở sản xuất tại Cầu Diễn được làm bằng khung thép, quây tôn |
Đơn cử như tại đường K2 (phường Cầu Diễn), hàng loạt công trình nhà xưởng, cơ sở sản xuất được xây dựng trên đất nông nghiệp. Không chỉ lấn chiếm đất ruộng để xây dựng nhà ở, nhà xưởng làm kho chứa hàng, nhiều hộ còn tổ chức sản xuất, cán thép, xưởng sắt…
Các nhà xưởng vi phạm tại khu vực này tạm bợ, ảnh hưởng đến môi trường, tiềm ẩn nguy cơ phòng cháy chữa cháy an toàn, an ninh cho khu vực. Hơn hết, những vi phạm này đang làm cho bộ mặt đô thị của quận Nam Từ Liêm trở nên xấu xí.
Nguy cơ cháy nổ chực chờ, công tác bán điện có đúng quy định?Và dù không có đầy đủ cơ sở pháp lý, giấy tờ nhưng không hiểu bằng cách nào, các lán trại, nhà xưởng các khu vực này vẫn được cấp điện, nước. Hàng loạt máy móc vẫn chạy đều đặn, ồn ã.
Tại tuyến đường K2, theo quan sát, hầu hết những nhà xưởng, nhà kho, cơ sở sản xuất này được làm bằng khung thép, quây tôn, thiết kế theo kiểu chuồng cọp một lối thoát duy nhất. Kho chứa hàng có rất nhiều đồ dễ cháy như giấy, xốp, bao tải nhựa… Phần lớn các nhà xưởng, nhà kho ở đây không có hệ thống báo cháy.
|
Bên trong 1 công trình vi phạm, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất cao tại phường Cầu Diễn. |
Nếu không quây tôn, một số cơ sở được xây dựng với kết cấu gạch rất dày, khi xảy ra cháy, lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn để tiếp cận và xử lý ở bên trong.
Hay khu vực ngõ 24 Ngọc Trục- Đại Mỗ, các cửa hàng sửa chữa điện lạnh tạm bợ, các nhà xưởng để các vật liệu dễ cháy nổ như gỗ, vật liệu xây dựng… vẫn hoạt động bất kể ngày đêm.
Các nhà xưởng tạm bợ, vi phạm này không chỉ làm bộ mặt đô thị nhếch nhác mà còn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ, trong đó có nguy cơ cháy nổ chực chờ.
|
Công trình vi phạm mọc lên san sát trên đường Ngọc Trục, phường Đại Mỗ |
Thực tế, những năm gần đây, các vụ việc cháy nổ do chập điện đã diễn ra tại rất nhiều địa bàn thuộc quận Nam Từ Liêm gây thiệt hại về người và của. Năm 2017, vụ cháy lớn tại nhà kho ở địa chỉ lô E1.2, đường Phạm Hùng, Mỹ Đình 2, Từ Liêm khiến các lực lượng phải chữa cháy hơn 2 giờ đồng hồ. Hay cuối tháng 4/2019, vụ hỏa hoạn tại khu nhà xưởng vi phạm trật tự xây dựng, đất đai tại phố Đại Linh- Trung Văn khiến 8 người chết là bài học xương máu.
Nơi xảy ra vụ cháy này công trình xây dựng trái phép với 4 nhà xưởng mái tôn, khung sắt, có tường gạch bao xung quanh cao khoảng 1,5m, phía trên được quây tôn với tổng diện tích khoảng trên 800m2. Lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp đã không thể tiếp cận và cứu các nạn nhân kịp thời. Các đơn vị đã rất vất vả tìm kiếm nguồn nước, triển khai đường vòi từ đường chính vào sâu trong ngõ, sử dụng máy thủy lực cắt khóa cửa tiếp cận đám cháy...
|
Một xưởng sản xuất đồ gỗ tạm bợ ngay trên khu đất đường Ngọc Trục, phường Đại Mỗ |
Liên quan đến công tác cấp điện và an toàn phòng chống cháy nổ tại các nhà xưởng này, Công ty Điện lực Nam Từ Liêm đã có phản hồi. Cụ thể, trong công văn trả lời Báo Kinh tế & Đô thị, phía Công ty Điện Lực Nam Từ Liêm khẳng định, Công ty đã thực hiện cung cấp điện cho khách hàng theo đúng quy định của ngành điện. Theo Luật Điện lực quy định, khi bên mua có đủ năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật và có giấy đề nghị mua điện kèm theo bản sao một số giấy tờ sau: Giấy đề nghị mua điện (theo mẫu Điện lực); giấy tờ tùy thân (cá nhân hoặc người đại diện hợp pháp của tổ chức); giấy tờ xác định chủ thể hợp đồng mua bán điện (là một trong các loại giấy tờ có tên của tổ chức/cá nhân tại địa điểm mua điện sau: Hộ khẩu thường trú, sổ tạm trú; giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà; quyết định phân nhà; hợp đồng mua bán nhà; hợp đồng thuê nhà có thời hạn từ 1 năm trở lên và đồng ý của chủ sở hữu; giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; hợp đồng ủy quyền quản lý và sử dụng nhà/đất; hợp đồng thuê địa điểm và đồng ý của chủ sở hữu; giấy chứng nhận đăng ký DN; giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh; giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện; giấy phép đầu tư; quyết định thành lập đơn vị)… công ty sẽ ký hợp đồng mua bán điện.
Giải trình cụ thể một số trường hợp được phản ánh trong bài viết của Báo Kinh tế & Đô thị như: Tại khu vực K2 – Cầu Diễn, công ty có ký hợp đồng mua bán điện với các khách hàng là Công ty Cổ phần Sofia Nội thất, hồ sơ đăng ký cấp điện có hợp đồng liên doanh với Công ty CP giống gia súc Hà Nội (Công ty CP giống gia súc Hà Nội được Nhà nước giao sử dụng đất với diện tích khoảng 65.407m2 và có nhiều dãy nhà xưởng); Công ty TNHH Sơn an toàn, hồ sơ đăng ký cấp điện có Hợp đồng liên kết liên doanh với Công ty CP giống gia súc Hà Nội; Công ty TNHH Đại Tùng Phong, hồ sơ đăng ký cấp điện có hợp đồng thuê mặt bằng kho bãi với Công ty CP xây dựng và Nội thất Remar (Công ty CP xây dựng và Nội thất Remar có hợp đồng liên kết liên doanh với Công ty CP giống gia súc Hà Nội); Công ty TNHH Công nghệ Ngôi nhà thông minh Bkav Smarthome, hồ sơ đăng ký cấp điện có hợp đồng thuê kho bãi với Công ty TNHH MTV Cơ khí xây dựng Thủy Lợi (Công ty TNHH MTV Cơ khí xây dựng Thủy lợi có Hợp đồng liên kết liên doanh với Công ty CP giống gia súc Hà Nội).
Đối với khu vực Ngọc Trục, phường Đại Mỗ, việc cấp điện tại khu vực này đều nhận bàn giao nguyên trạng lưới điện nông thôn trước năm 2010.
Khi ký kết hợp đồng mua bán điện, Công ty có biên bản phân định ranh giới trách nhiệm trong công tác đảm bảo an toàn trong việc sử dụng điện và phòng cháy chữa cháy với các khách hàng. Trong đó, khách hàng chịu trách nhiệm về sử dụng điện, vận hành an toàn từ phần dây sau công tơ và các thiết bị điện trong nhà xưởng, việc thực hiện các quy định về an toàn phòng chống cháy nổ. Còn Công ty Điện lực Nam Từ Liêm chịu trách nhiệm quản lý vận hành từ phần công tơ về nguồn cấp.
Chính quyền “bó tay”?Có thể thấy, các khu vực vi phạm cố hữu từ nhiều năm nay trên địa bàn Nam Từ Liêm nằm rất gần với trụ sở UBND cũng như Công an các phường. Tuy nhiên, vi phạm vẫn “trơ gan”, thậm chí còn phát sinh thêm các vi phạm mới.
Tại phường Đại Mỗ, mới đây, cơ quan chức năng phường Đại Mỗ đã tiến hành rào tôn ngăn chặn lối ra vào của một số điểm vi phạm. Nhưng ngay sau đó, một số chủ cơ sở đã ngang nhiên tháo dỡ rào tôn để tiếp tục hoạt động. Và tình trạng san lấp đất ruộng để làm nhà xưởng, kho bãi kinh doanh tại khu vực này vẫn không hề thuyên giảm.
Trước tình trạng này, câu hỏi đặt ra, nguyên nhân của việc “vượt rào” vi phạm là do đâu? Do chính quyền địa phương xử lý nửa vời gây ra tình trạng nhờn luật hay do các lực lượng như UBND phường, Công an phường… làm ngơ khiến những vi phạm ngày càng dai dẳng, thách thức pháp luật?
Trách nhiệm của chính quyền quận Nam Từ Liêm, của UBND các phường… ở đâu? Báo Kinh tế và Đô thị sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này.