Tuy nhiên, chúng tôi vẫn ngạc nhiên là có nơi vẫn nhắc các em: Có thể mặc áo tùy ý vào các ngày thứ Ba, thứ Năm, thứ Bảy; còn thứ Hai, Tư và Sáu mặc đồng phục. Lẽ ra thông báo này cần có thêm câu: Các em dù mặc đồ tự chọn hay đồng phục cũng cần mặc đủ ấm, ngoài áo khoác, áo sơ mi, cần có thêm áo len...
Các em ngày nay đa số đã có áo ấm để mặc, điều đó là đáng mừng. Chúng tôi còn nhớ như in, cách nay nhiều năm, khi lớp học có bạn mặc áo phong phanh đến lớp, cô giáo dạy môn Hóa trong tiết học nhìn thấy và khuyên: “Em đừng xấu hổ, nhà có bao nhiêu áo dù lành hay rách cứ mặc vào. Quan trọng ấm là được em ạ”. Lời nói và hình ảnh trìu mến của cô giáo khiến chúng tôi nhớ mãi.
Quan trọng là ấm. Các gia đình cần cho các em mặc ấm, dù áo đẹp hay xấu; cũng nên tăng cường dinh dưỡng cho các em, như sữa và nên là thức ăn ấm, nóng.
Trao đổi với báo chí, PGS TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, khuyến cáo: “Để phòng, chống các bệnh thường gặp vào mùa Đông, các nhà trường cần tuyên truyền để học sinh giữ gìn vệ sinh cá nhân thật tốt, giữ ấm cơ thể, nhất là vùng cổ và ngực. Phòng y tế trường học cần rà soát danh mục các loại thuốc theo quy định, sẵn sàng sơ cấp cứu cho học sinh nếu các em mắc những bệnh thông thường, nhưng quan trọng nhất là phải có phương pháp giữ ấm cơ thể cho học sinh”.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cũng cảnh báo tới người dân, các trường học, đặc biệt là các trường ở vùng sâu, vùng xa tuyệt đối không được dùng phương pháp sưởi ấm dùng lò than cho học sinh trong phòng kín.
Những ngày này, trẻ em mọi miền trên đất nước vẫn đến trường. Các em ở miền Nam thời tiết vẫn ấm thì không nói làm gì, nhưng các em ở vùng cao (Tây Nguyên và vùng núi phía Bắc...) cần phải được giữ ấm hơn cả.
Chúng tôi chợt nhớ, có lần uống cà phê với một thầy thuốc trước Nhà thờ Đức Bà tại TP Hồ Chí Minh vào dịp Giáng sinh. Ông là thầy thuốc nhưng dành gần như toàn bộ thời gian cho đi khám, chữa bệnh miễn phí và đi làm từ thiện; thu nhập ít ỏi chủ yếu qua đi dạy và viết sách, báo.
Ông ngắm dòng người qua lại, chợt có ý tưởng: “Tại sao mình không thu hồi các mũ len của ông già Noel để tặng cho trẻ em vùng cao nhỉ? Mũ len còn tốt, sử dụng thêm được vài mùa lạnh mà lại thường bị bỏ đi thì rất phí”. Ông nói thêm: “Thật vui, nếu trên đồi nương, cứ mùa Đông đến lại xuất hiện nhiều “ông già Noel”.
Vậy đấy, chúng ta nhắc các em nhỏ giữ ấm cơ thể với nhiều biện pháp. Tuy nhiên, với một số em trong hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhất là các em ở vùng sâu - vùng xa, thì nên được chính quyền địa phương và các nhà hảo tâm tích cực hỗ trợ thêm quần áo (mới, hoặc cũ nhưng được giặt sạch). Sự sẻ chia cũng làm ấm lòng các em.