Có nhiều người, ngay sau khi những ca bệnh Covid - 19 mới xuất hiện ở Thanh Hóa, Khánh Hòa, TP Hồ Chí Minh đã vội vã lao ra ngoài mua gạo, dầu ăn, giấy vệ sinh cho đến khẩu trang y tế tích trữ khiến hàng hóa bị khan hiếm cục bộ, thương gia được cơ hội tăng giá. Họ tích đồ để yên tâm nhốt mình trong nhà một tháng và không thiếu đồ ăn. Nhưng rồi, khi các ca bệnh mới trùng xuống, 16 người nhiễm đợt đầu được điều trị và chữa khỏi, hàng loạt người lại nhao nhao ra đường. Thậm chí, cả khi Hà Nội xuất hiện ca bệnh đầu tiên, rồi lên đến ca bệnh thứ mấy chục thì những người lúc đầu chăm ở nhà giờ lại… ra đường. Vì họ “nhờn” dịch và cũng vì cuồng chân.
Người ra đường để cà phê giải trí với bạn bè. Nhiều nam giới vì nhịn nhậu lâu ngày nhớ bạn nên hô hào tụ tập. Các quán game thì mở “chui” để chứa chấp những đứa trẻ cày game thâu đêm suốt sáng. Hay nhìn dòng người đi lễ chùa ở Phủ Tây Hồ, đền Quán Sứ… mới thấy, lý do ra ngoài đường chẳng có gì chính đáng. Còn nhớ, một số trường hợp trong các ca bệnh dương tính với virus SARS-CoV-2, nhiều người dù trong đối tượng cách ly nhưng vẫn đi lễ, khiến hàng trăm người phải cách ly vì có tiếp xúc gần hoặc xa với bệnh nhân. Hành động ra ngoài đường, tụ tập chỗ đông người của các ca bệnh đã kéo theo rất nhiều hệ lụy cả về vật chất lẫn tinh thần trong vấn đề phòng, chống dịch bệnh.
Nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo cũng như đi lại, giao lưu… của người dân đều là chính đáng. Thế nhưng, đó là ở thời kỳ không có dịch bệnh, thiên tai. Trong khi Chính phủ cùng với hàng nghìn người đang nỗ lực chặn dịch, kêu gọi mọi người hạn chế tụ tập đông người, thậm chí ra các văn bản mang tính yêu cầu như: Tạm dừng hoạt động kinh doanh karaoke, quán bar, vũ trường, rạp chiếu phim, quán game…, vận động các cửa hàng kinh doanh không thuộc nhu yếu phẩm thiết yếu tạm đóng cửa, tránh tụ tập đông người thì hàng trăm người vẫn quyết ra đường chỉ vì những lý do đơn giản của cá nhân.
Ý thức của từng người trong việc bảo vệ bản thân chính là góp sức cho cộng đồng. Cuộc chiến này không là trách nhiệm của riêng Chính phủ hay đội ngũ y tế. Đây là cuộc chiến mà mỗi người chúng ta đều phải là chiến binh. Trách nhiệm của hậu phương chúng ta là hãy ở yên để không phát tán virus, giảm gánh nặng cho những người đang ở tiền tuyến.