Nhắc nhớ yêu thương

Nhật Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày Gia đình Việt Nam (28/6) năm nay lại đến với chủ đề: “Yêu thương và chia sẻ” đan trong chuỗi hoạt động tôn vinh những giá trị truyền thống, khơi dậy tình cảm gia đình tốt đẹp xưa.

Việc nhắc nhớ yêu thương quả thực rất cần thiết trong thời hiện đại này, nên chính Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Đặng Thị Bích Liên cũng tâm niệm: Sẽ tiếp tục nâng cao nhận thức trong mỗi người về trách nhiệm của các thành viên trong gia đình trong việc xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc.

Không phải tự nhiên mà “yêu thương và chia sẻ” lại được chọn làm thông điệp cho Ngày Gia đình Việt Nam. Cuộc sống công nghiệp đang ngày một cuốn mọi người, nhất là người đô thị, vào guồng quay hối hả của công việc và nhịp sống. Thời đại số hóa đang ngày càng kéo mọi người vào thế giới “ảo”, bỏ quên những tâm tình, sẻ chia. Đôi lúc tĩnh tâm nhìn lại, ai nấy đều giật mình vì những phút sum họp gia đình đã dần thưa vắng, những mâm cơm gia đình cũng không níu kéo được các thành viên. Có những gia đình, bữa cơm tối bỗng thành “chia năm sẻ bảy” vì “Bố bận tiếp khách, không về ăn tối nhé!”, “Con phải đi học thêm, sẽ về ăn tối sau!”… Mà ngay cả khi ở bên nhau, người trong nhà cũng bị điện thoại di động, ti vi, iPad chi phối. Ngồi cạnh nhau đấy mà mỗi người lại chìm trong một thế giới riêng của mình. Những lời thăm hỏi chỉ còn là chớp nhoáng, những câu chuyện “con kể mẹ nghe”, “cha kể con ngấm”… không còn. Đôi lúc có cảm giác hết thảy những trao đổi, truyền đạt thông tin đều cậy nhờ qua chiếc điện thoại cá nhân… Không khí gia đình bất giác trở nên nhạt nhòa và thiếu vắng, để những lúc bình tâm nhìn lại, nhiều người mới thấy tiếc nuối và muốn hối hả tìm về.

Lời nhắc nhớ yêu thương hy vọng sẽ là khởi nguồn cho những cuộc tìm về đầy ý nghĩa ấy, nên đã được truyền đi mỗi độ kỷ niệm Ngày Gia đình hằng năm. Miệt mài và bền bỉ, những người làm công tác gia đình hy vọng đó là những cơn “mưa dầm thấm lâu” để vun đắp cho cây hạnh phúc xanh tốt và đơm hoa kết trái. Lời nhắc nhớ được khéo léo đan kết trong những tác phẩm nghệ thuật, những câu ca dao, bài dân ca muôn đời, những lời ca điệu hát chan chứa nghĩa tình… để đánh thức ngọn lửa yêu thương âm ỉ cháy trong trái tim mỗi người. Người làm công tác gia đình đặt niềm tin, các hoạt động tôn vinh giá trị nhân văn sâu sắc của gia đình Việt Nam sẽ góp sức cả vào cuộc vận động người dân thực hiện nếp sống văn minh, văn hóa ứng xử trong gia đình, cộng đồng, kế thừa truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam; tiếp thu có chọn lọc các giá trị mới, tiến bộ và phát triển…

Chắc chắn, lời nhắc nhớ ấy là rất cần thiết và ngọn lửa gia đình sẽ được thắp sáng để ngày càng có nhiều những trái tim hối hả tìm về tổ ấm.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần