Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhạc sĩ Dương Thụ: “Làm thuê” thì được, “làm chủ” là có vấn đề

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sau 30 năm có uy tín trong lĩnh vực âm nhạc, nhạc sĩ Dương Thụ mới đủ… "liều" để tên mình đứng riêng trong liveshow "Dương Thụ - Những câu chuyện kể của tôi" diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào 9 và 10/11. Đây sẽ là cơ hội tụ họp của "gia đình âm nhạc": Dương Thụ, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Thanh Lam...

"Gia đình âm nhạc"

Mỗi độ thu về, người Hà Nội quen với liveshow mang tên Phú Quang, Thanh Tùng... Dương Thụ cũng là một trong những tên tuổi có những ca khúc trữ tình sâu lắng, rất riêng về Hà Nội. Tại sao đến tận bây giờ, tên ông mới đứng riêng trong một liveshow?

- Nếu nhạc của tôi cũng được khán giả Hà Nội yêu thích như nhạc của Phú Quang, Thanh Tùng... thì đã có người đứng ra tổ chức liveshow vào "mỗi độ thu về" ở Hà Nội.

Bầu show nhạy cảm với thị trường lắm! Tôi là người sản xuất âm nhạc chứ không có khả năng kinh doanh âm nhạc, "làm thuê" thì được, "làm chủ" là có vấn đề ngay. Mãi đến bây giờ, bạn bè xúm vào giúp đỡ tôi mới dám liều làm chương trình riêng đầu tiên cho mình.

Ông luôn được những diva của Việt Nam như: Hồng Nhung, Thanh Lam, Mỹ Linh nhắc đến như một người bạn lớn trong âm nhạc và trong đời thường. Ông "vin" vào họ để liveshow đắt khách?

- Tôi biết họ từ lúc còn vô danh. Họ thích và muốn được hát nhạc của tôi, không phải đến lúc họ nổi tiếng rồi tôi mới đưa bài cho họ. Tên tuổi của một ca sĩ được xây dựng bằng tác phẩm, tác phẩm kém thì làm sao họ nổi tiếng? Liveshow ca nhạc nói chung phải có ca sĩ nổi tiếng mới đắt khách, nhưng liveshow tác giả thì không phải vậy. Khi làm chương trình này tôi không có mục đích đắt khách. Tôi chỉ muốn một lần, tự mình làm theo tiêu chuẩn chất lượng của mình, một chương trình tử tế cho những người nghe nhạc của tôi. Và cũng lâu lắm rồi cái "gia đình âm nhạc" của tôi chưa một lần tụ họp nên đây là một cơ hội.
 
Nhạc sĩ Dương Thụ: “Làm thuê” thì được, “làm chủ” là có vấn đề - Ảnh 1
 
Nhạc sĩ Dương Thụ

Nhạc sĩ Dương Thụ rất bận bịu với công việc: Giữ vai trò Giám đốc, biên tập âm nhạc của chương trình "Điều còn mãi", "Cà phê thứ Bảy"... Có phải sự bận bịu này làm thưa đi những sáng tác mới?

- Vài năm nay, con người sáng tạo trong tôi nhường bước cho người làm nghề và người xã hội. Tôi hứa làm album mới cho Nguyên Thảo mà cứ thất hẹn, chỉ mới làm được cho Đức Tuấn album "Đức Tuấn hát nhạc Dương Thụ" năm 2011 và viết được cho cô Thanh Lam 5 bài mới. Như thế là rất ít đối với một nhạc sĩ sáng tác. Tôi không viết theo kiểu đặt hàng mà là viết bằng cảm hứng tự nhiên. Muốn làm được điều này phải có nhiều phút sống cho cái sự gọi là "một mình".

Dùng thuốc lào để định vị Hà Nội

Chắc ông phải nhớ Hà Nội lắm mới có thể có được sáng tác da diết "Mong về Hà Nội". Vậy, thói quen hay làm nhất của ông mỗi khi trở về Hà Nội là gì?

- Từ sân bay Nội Bài về, việc đầu tiên tôi làm là tìm một quán nước vỉa hè để nhâm nhi chén trà nóng và rít một vài hơi thuốc lào (mà ở TP. HCM tôi đã bỏ nó), lơ mơ nhìn ngắm phố phường để cảm nhận rằng Hà Nội đây rồi.

Hà Nội bây giờ thay đổi nhiều quá, tôi phải dùng thuốc lào để định vị nó đấy! Và khi không phải làm việc, tôi thường chạy xe lên Châu Long, Ngũ Xã…, thong thả trong mấy con phố nhỏ ở khu vực này, rồi lộn ra đường ven hồ Trúc Bạch, đường ven Hồ Tây, nhiều khi đi mà cứ như trong mơ. Và thể nào tôi cũng phải mò lên Hàng Giầy để ăn phở Vui, dù lúc ấy là 12 giờ đêm, nóng và ngon tuyệt.

Hiện nay, trong làng ca nhạc đã xuất hiện một số tên tuổi nhạc sĩ trẻ sáng tác về Hà Nội, nhưng chưa có ai thật sự để lại ấn tượng sâu đậm trong khán giả. Ông nhận xét gì về những sáng tác mới về Hà Nội hiện nay?

- Tôi không biết rõ về khán giả Hà Nội. Nhưng về bài hát của Nguyễn Đức Cường viết về Hà Nội thì tôi khá rõ vì tôi trong Hội đồng thẩm định Bài hát Việt. Tôi thích bài hát này và đánh giá cao về phương diện tìm tòi cái mới, nhưng sức sống của một bài hát phụ thuộc rất nhiều vào sự quảng bá và người nghe. Các tác giả trẻ chưa có thương hiệu như các anh Thanh Tùng, Phú Quang, nên vì thế chắc là chưa được chú ý lắm.

Ông có thể đưa ra những nhận định, đánh giá của một nhạc sĩ "già" về cách làm nghề của nhạc sĩ "trẻ" hiện nay?

- Các nhạc sĩ trẻ là một thế hệ khác, họ có suy nghĩ và cách làm khác. Ngay chính bản thân tôi, từ khi còn trẻ đã có những suy nghĩ không giống thế hệ tôi nữa là. Sau năm 1954, Hà Nội chỉ có một loại nhạc thôi, còn bây giờ đủ thứ, lấy gì để so sánh về mặt làm nghề. Mỗi loại nhạc có một cách làm khác nhau, chưa cần nói vấn đề già, trẻ.

 Tuy vậy, vì thường xuyên làm việc với các nhạc sĩ trẻ nên tôi cũng có thể có một vài nhận xét nhỏ, thuộc về nghề nhạc nói chung. Các bạn trẻ giỏi về kỹ thuật, có nhiều tham vọng cả về tiền bạc lẫn nghệ thuật, chịu khó đầu tư về phương tiện hành nghề và làm việc khá chuyên nghiệp. Trừ một vài người (số này có thể đếm trên đầu ngón tay) còn phần lớn làm nghề giỏi, nhưng làm nghệ thuật chưa hay. Thành thử người làm nghệ thuật rất đông ("ra ngõ gặp nhạc sĩ") nhưng để tìm ra người nghệ sĩ trong số họ thì cực hiếm. Trong thế hệ tôi, tôi cũng chưa hẳn là nghệ sĩ. Nói thế để các bạn trẻ đừng buồn. Chúng ta cần đầu tư nhiều hơn về văn hóa nền (đọc sách, xem tranh, nghe nhạc… ), và cơ thể (năm giác quan), cần được sống nhiều hơn nữa để nội tâm phong phú tràn đầy. Tôi và các bạn, chúng ta còn thiếu nhiều thứ lắm!

Xin cảm ơn ông!