Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhạc sĩ Giáng Son hát xẩm tại lễ giỗ tổ nghề

Lại Tấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tối 30/9, nhóm Xẩm Hà thành sẽ tổ chức Lễ Giỗ tổ nghề hát xẩm tại không gian tượng đài Vua Lê trên phố Lê Thái Tổ, thuộc khu phố đi bộ hồ Gươm.

Nhạc sĩ Giáng Son và nhóm Xẩm Hà Thành.
Chương trình với sự tham gia của các nghệ sĩ quen thuộc như Mai Tuyết Hoa, Nguyễn Quang Long, Phạm Dũng, Văn Phương, Văn Hải, Phạm Trang, Trúc Du… Hai vị khách mời đặc biệt cũng có mặt trong đêm nghệ thuật nhân lễ giỗ tổ nghề hát xẩm mùa thu 2018 là nhà thơ Hồng Thanh Quang và nhạc sĩ Giáng Son.
Nhạc sĩ Giáng Son sẽ tham gia giao lưu và cùng nhóm Xẩm Hà Thành trình diễn những bài xẩm quen thuộc gắn liền tên tuổi của nhóm. Trong khi đó, nhà thơ Hồng Thanh Quang sẽ mang đến những màu sắc khác cho nghệ thuật hát xẩm, qua những bài xẩm được nhóm Xẩm Hà thành lồng điệu trên lời thơ của anh.
Đêm nghệ thuật nhân giỗ tổ nghề hát xẩm 2018 mùa Thu sẽ gồm 3 phần: Những bài xẩm cổ truyền; những bài xẩm được sáng tác trên nền thơ của Hồng Thanh Quang; những bài xẩm gắn liền với tên tuổi của nhóm xẩm Hà thành.
Lễ giỗ tổ nghề thường được tổ chức vào ngày 22 tháng Giêng âm lịch hoặc 22 tháng 8 âm lịch. Đây là những dịp nông nhàn, thời tiết lại mát mẻ nên cha ông ta thường chọn để tổ chức các hoạt động văn hóa lễ hội, nghệ thuật truyền thống. Đối với nghệ thuật hát xẩm, các nghệ nhân xưa kia tự đưa ra cho mình tới hai sự lựa chọn để làm giỗ tổ, bởi người hành nghề hát xẩm có cuộc sống không ổn định, nghèo đói và thường phải di chuyển. Cho nên, mỗi nơi có thể lựa chọn thời điểm mùa xuân hoặc mùa thu để làm lễ giỗ tổ cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh.
Vào những dịp này, các gánh xẩm của một địa phương sẽ tụ hội về một nơi, có thể chỉ là một bãi đất trống, để cùng nhau tổ chức lễ giỗ tổ nghề. Trong lễ giỗ tổ, ngoài những bài mang tính nghi lễ, các nhóm xẩm thường trưng ra những điệu, bài độc đáo của mình để các gánh xẩm học hỏi lẫn nhau, nâng cao ngón đàn, giọng hát.
Tuy nhiên, những biến động của lịch sử đã khiến giỗ tổ nghề hát xẩm mai một, gián đoạn trong nhiều chục năm. Cho đến năm 2008, với chủ trương khôi phục lễ giỗ tổ đặc sắc của loại hình ca hát dân giân mang tính chuyên nghiệp này, GS.TS.NGND Phạm Minh Khang đã chỉ đạo và nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long là người trực tiếp thực hiện kịch bản, xây dựng chương trình, cùng tạo ra một dấu mốc đáng nhớ trong lịch sử nghề hát xẩm: Hồi sinh lễ giỗ tổ nghề hát xẩm tại không gian Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Một năm sau đó, nhóm Xẩm Hà thành được thành lập, đã tiếp nối truyền thống đẹp đẽ bằng cách thực hiện nghi lễ giỗ tổ và tổ chức các đêm diễn để đưa nghệ thuật hát xẩm đến với đông đảo khán giả trong dịp giỗ tổ nghề hàng năm.