Nhạc sĩ Nguyễn Quang Long duyên nợ cùng xẩm

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nguyễn Quang Long là một trong những cái tên không quá xa lạ với khán giả yêu nghệ thuật truyền thống nói chung, yêu hát xẩm nói riêng trong gần 20 năm qua. Chiếu Xẩm Hà thành sáng đèn vào mỗi dịp cuối tuần tại khu vực sân khấu trước tượng đài vua Lê (đường Lê Thái Tổ), và những sản phẩm hát xẩm gắn với hơi thở xẩm Hà Nội là những thành quả để khán giả nhắc đến anh, nhắc đến loại hình nghệ thuật tưởng đã lùi xa.

Nhạc sĩ Nguyễn Quang Long (thứ 2 từ trái sang) cùng nhóm Xẩm Hà thành. Ảnh: Linh Anh
20 năm nặng lòng
Những năm đầu thế kỷ XX, xẩm tàu điện là một phần không thể thiếu của người Hà Nội. Xẩm tàu điện, hay còn có tên gọi khác là xẩm Bờ Hồ bởi vị trí ra đời và không gian nuôi dưỡng loại hình nghệ thuật này phát triển chính là quanh khu vực Hồ Gươm. Nhưng rồi, sau gần một thế kỷ gắn bó với người Hà Nội, xẩm tàu điện cũng giống các loại hình nghệ thuật xẩm khác, chẳng còn mấy ai nhớ đến câu hát: “Ai ơi thương kẻ dở dang/Miệng ca tay gẩy khúc đàn tương tư”. Năm 2013, nghệ nhân cuối cùng của nghệ thuật xẩm là nghệ nhân Hà Thị Cầu qua đời. Trước khi nhắm mắt, bà còn để lại bao nỗi băn khoăn về việc phục hồi xẩm cho thế hệ học trò như nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa, nhạc sĩ Nguyễn Quang Long…
Tuy không phải sinh ra trên mảnh đất Hà Nội, nhưng Nguyễn Quang Long quyết tâm thực hiện những trăn trở của nghệ nhân Hà Thị Cầu. Trước đó, anh đã cùng thầy cô, bạn bè tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam xây dựng một hành trình phục hồi lưu trữ và quảng bá những câu hát xẩm. Album “Xẩm Hà Nội” được Nhà xuất bản Âm nhạc phát hành đầu năm 2016 là thành quả đầu tiên của công cuộc phục hồi nghệ thuật này. Sau đó, cùng với nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa, Khương Cường, Phạm Đình Dũng, Nguyễn Quang Long thành lập nhóm Xẩm Hà thành với mong muốn góp phần tái hiện lại một nét đẹp của Hà thành 36 phố phường xưa kia và thổi thêm sức sống mới để nét đẹp ấy được nối dài theo hơi thở của thời đại.
Cũng từ đây, nhiều bài xẩm do Nguyễn Quang Long sáng tác đã ra đời và được công chúng đón nhận. Chẳng hạn những bài xẩm mang tính thời sự như: Xẩm Trà đá, Xẩm sai Tiễu trừ cướp biển, Xẩm Đường lưỡi bò, Xẩm Cá chết… hay những bài xẩm trữ tình tôn vinh nét đẹp của Hà Nội và tình yêu như Bốn mùa hoa Hà Nội, Tứ vị Hà thành… Album “Trách ông Nguyệt Lão” được giới thiệu đúng những ngày tháng cuối cùng của năm 2019 mang ý nghĩa đặc biệt đối với Nguyễn Quang Long, đó là ghi dấu ấn hành trình 25 năm đi theo âm nhạc chuyên nghiệp, 20 năm theo nghiệp nghiên cứu, lý luận âm nhạc. Tiếng hát xẩm của nhóm Xẩm Hà thành đã bay xa khỏi Việt Nam, đến với các liên hoan âm nhạc quốc tế tại Nhật Bản, Pháp…, được khán giả Việt Nam tại nước ngoài và người nước ngoài hào hứng đón nhận.
Xẩm không chỉ ở tàu điện
Không chỉ dừng lại ở việc hát những ca khúc xẩm thời xưa, nhạc sĩ Nguyễn Quang Long còn sáng tác, để có được ca từ xẩm phù hợp với đối tượng khán giả thế kỷ XXI. Nói về xẩm của Nguyễn Quang Long và nhóm xẩm Hà thành, nhà thơ Hồng Thanh Quang nhận xét: “Các cụ ta xưa kia dùng tiếng hát xẩm để kiếm sống, còn đến nay Quang Long cùng nhóm Xẩm Hà thành biến xẩm thành một loại hình nghệ thuật thưởng thức”.
Xẩm Hà Nội hôm nay không phải đi theo tuyến tàu điện leng keng, dọc theo 36 phố phường. Người hát xẩm không còn đơn sơ trong chiếc áo nâu, đầu đội mũ cát, mắt đeo kính đen; mà nghệ sĩ có thể vận áo dài truyền thống, hát những câu hát xẩm ngắn gọn, tiết tấu nhanh và rộn ràng. Nguyễn Quang Long cùng nhóm Xẩm Hà thành trải chiếu, diễn xẩm thường xuyên tại sân khấu trước tượng đài vua Lê vào các tối cuối tuần trong không gian đi bộ Hồ Gươm. Nguyễn Quang Long quan niệm: “Dù là nghệ thuật nào thì cũng không thể sống được nếu không tiếp tục khơi nguồn dòng chảy để nó phù hợp với nhu cầu mang tính thời đại”. Bằng chứng kết hợp giữa hiện đại và truyền thống là bên cạnh âm nhạc xẩm truyền thống, MV của nhóm nhạc sĩ Nguyễn Quang Long do ê kíp gồm những người theo tư duy lối trẻ thực hiện như: Hình ảnh do nhà thiết kế Cao Minh Tiến thực hiện, phần âm cũng đều là những người trẻ như NSƯT Xuân Hải, Phạm Dũng, Hải Đăng, Phạm Trang…
Duyên nợ với xẩm của Nguyễn Quang Long sẽ không dừng lại ở album “Trách ông Nguyệt Lão”. Sau dự án này, anh cùng nhóm Xẩm Hà thành và ê kíp quay phim đạo diễn bắt tay vào thực hiện một MV mới cùng tên album tại Hà Nội và Bắc Ninh để chào đón năm 2020, năm thứ 1010 của Thăng Long - Hà Nội.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần