Dư luận đang tranh cãi về việc Cục NTBD yêu cầu các ca khúc sáng tác trước năm 1975 phải đăng ký lưu hành. Kể cả trước đây những ca khúc đã lưu hành thường xuyên như “Nối vòng tay lớn”, “Tiến về Hà Nội”… Theo ông, đây có là một quy định vô lý?- Cục NTBD có nhiệm vụ kiểm duyệt chất lượng các tác phẩm để đảm bảo sự trong sạch khi phổ biến vào đời sống. Thế nhưng, đối với những người được công nhận là danh nhân văn hóa mà yêu cầu các tác phẩm của họ phải trở lại đăng ký cấp phép thì cực kỳ vô lý. Các tác phẩm của họ đã lưu hành từ lâu, công chúng công nhận. Thêm nữa, ví như trường hợp của các nhạc sĩ Văn Cao, Trịnh Công Sơn… họ đã được các TP lớn, đặc biệt là Hà Nội đặt tên đường. Cá nhân các danh nhân này sẽ không chỉ được xem xét đóng góp giá trị tác phẩm mà còn cả góc độ nhân thân đều được HĐND TP lưu ý. Chính vì vậy, với các danh nhân văn hóa nên có sự đặc cách.Ngoài đặc cách cho các danh nhân văn hóa, theo ông quy định cấp phép còn thay đổi như thế nào để thông thoáng cho các tác giả và chủ sở hữu tác phẩm?- Tôi đồng ý là tất cả các ca khúc sáng tác trước năm 1975 phải được cấp phép 1 lần trong cơ quan chính quyền của ta. Thế nhưng, bây giờ mới rà soát công tác cấp phép sáng tác cách đây đến hơn 40 năm thì không thể đòi hỏi nhạc sĩ hoặc gia đình nhạc sĩ có bản gốc các ca khúc. Cục phải có trách nhiệm sưu tầm, lưu giữ, nói cách khác là thư viện tác phẩm, thừa nhận những ca khúc đã được sử dụng trong nhiều chương trình trước đây làm cơ sở dữ liệu.Theo quy định mới sẽ có hàng ngàn tác phẩm chờ cấp phép. Theo ông nhiệm vụ này có nên giao cho Cục NTBD hay phân cấp cho các cơ quan cấp dưới?- Nhiệm vụ kiểm duyệt là đúng nhưng có lẽ cần có phương pháp khác thay vì dồn hết nhiệm vụ về một Cục. Ở thời kỳ trước các cơ quan ngang Sở VH&TT bây giờ có thể cấp phép. Một bất cập là hiện nay Cục NTBD mới quan tâm kiểm duyệt những tác phẩm trước năm 1975, còn những sáng tác mới xuất hiện bây giờ không ai kiểm duyệt, không cần cấp phép. Chính vì vậy, lời ca của các nhạc phẩm bây giờ rất nhố nhăng, nhảm nhí; phần nhạc đạo đến 90% nhưng không ai kiểm duyệt, kiểm tra. Đáng lẽ những tác phẩm mới đó muốn được lưu hành thì phải xin phép như những ca khúc trước 1975. Cục tên là NTBD nhưng mới chỉ lo quản lý biểu diễn, đi lo cấp phép từng chương trình, từng bài hát… chưa làm được nhiệm vụ chăm chút vào việc hướng dẫn nghệ thuật.Có nhà văn từng nêu ý kiến chúng ta đang ở thời kỳ hòa bình, nên xí xóa cho phép lưu hành tất cả các tác phẩm liên quan đến chế độ ngụy quân, ngụy quyền. Ông quan niệm sao về vấn đề này? - Tôi nghĩ mỗi chế độ đều có giới hạn tư tưởng chính trị, nếu cho phép lưu hành các tác phẩm liên quan đến chế độ ngụy quân, ngụy quyền, thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến giá trị cuộc chiến 30 năm giành hòa bình của Việt Nam. Trước năm 1986 tất cả những tác phẩm ca ngợi, miêu tả sinh hoạt của ngụy quân, ngụy quyền không được lưu truyền ở Việt Nam. Hoặc là tất cả những tác phẩm dù không dính đến chính trị, ca ngợi quê hương đất nước phong cách con người nhưng nếu nhạc sĩ đó tham gia chống lại Nhà nước Việt Nam thì toàn bộ các tác phẩm của tác giả này cũng bị cấm. Đến nay quan điểm này đã được cởi mở, nhiều tác phẩm không mang tư tưởng chống phá chế độ đã được cấp phép lưu hành. Chúng ta cần ghi nhận sự chuyển biến của công tác cấp phép tác phẩm, không nên vì 5 nhạc phẩm bolero vừa bị thu hồi giấy phép mà đổ đồng giá trị. Đó không phải là những đỉnh cao nghệ thuật để công chúng tốn quá nhiều giấy mực, thời gian bàn luận; chỉ là những nhạc phẩm dễ nghe, tạo nên thói quen sử dụng của một số đối tượng.Xin cảm ơn ông!