Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhạc sĩ Phó Đức Phương qua đời vì ung thư tuỵ

Theo Vietnamnet.vn
Chia sẻ Zalo

Nhạc sĩ Trần Lệ Chiến vừa xác nhận thông tin nhạc sĩ Phó Đức Phương đã qua đời trưa 19/9 vì ung thư tuỵ, hưởng thọ 76 tuổi.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương phát hiện ung thư tuỵ ở giai đoạn cuối nên sức khỏe suy kiệt rất nhanh.
Sinh năm 1944 - nhạc sĩ Phó Đức Phương là một trong những bộ tứ Sông Hồng của nền âm nhạc Việt Nam hiện nay. Ông từng là học sinh giỏi Toán của mảnh đất Văn Giang tỉnh Hưng Yên. Ông theo đuổi con đường nghiên cứu tự nhiên suốt những năm 1962 - 1965 khi là sinh viên khoa Toán của ĐH Sư phạm Hà Nội. Đến năm 1966, Phó Đức Phương đưa ra quyết định mang tính bước ngoặt của cuộc đời - thi vào trường Âm nhạc Việt Nam nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam với kết quả khiến bao người nể phục.
 Nhạc sĩ Phó Đức Phương qua đời ở tuổi 76.
Bén duyên với nghệ thuật có phần muộn so với nhiều nhạc sĩ cùng thời nhưng Phó Đức Phương lại chứng minh với giới chuyên môn cùng công chứng cho thấy sự sáng tạo dồi dào trong hầu hết chặng đường sáng tác của ông. Chia sẻ về tôn chỉ của mình trong suốt quãng thời gian gắn bó với nghệ thuật ông tâm sự, đã bước vào nghệ thuật phải cương quyết, đi tới tận cùng. Với ông mỗi sản phẩm âm nhạc đều như gói ghém chứa đựng cả linh hồn. Và người nghệ sĩ muốn có được những đứa con tinh thần mạnh khỏe bay cao, bay xa cần dồn hết nội lực tâm huyết sẵn có của mình vào trong đó.
Hội nhạc sĩ Việt Nam có hơn 2.000 nghệ sĩ nhưng có thể đếm trên đầu ngón tay những nhạc sĩ có diện mạo riêng. Chỉ cần nghe một hai câu đầu đã biết tác phẩm đó là của nhạc sĩ nào. Phó Đức Phương là một trong những nhạc sĩ hiếm hoi như thế, chất dân ca được thấm đẫm trong con người của nhạc sĩ. Không chỉ đưa chất liệu dân gian đương đại hiện hiện qua từng nhạc phẩm, ngay từ những ngày đầu bước chân vào công việc sáng tác Phó Đức Phương còn nhanh chóng chọn được cho mình nguồn cảm hứng về quê hương dồi dào nhưng cũng rất nên thơ tinh tế.
Từng con kênh, dòng nước, đụn rơm hay mặt hồ bóng toả,... tất cả hiện lên trong âm nhạc của Phó Đức Phương một cách rất tự nhiên thân thuộc qua các ca khúc như: Những cô gái quan họ, Hồ trên núi, Không thể và có thể, Một thoáng Tây Hồ, Huyền thoại hồ núi Cốc, Về quê, Vũ khúc con cò...
Phó Đức Phương là nhạc sĩ luôn tìm tòi, khai thác những tinh hoa trong âm nhạc dân gian của từng vùng, miền để đưa vào tác phẩm. Ông còn viết nhạc cho hàng chục bộ phim như: Những đứa con, Trăng rằm, Lưu lạc, Giông tố... và viết nhạc cho nhiều vở sân khấu như: Hồn Trương Ba da hàng thịt, Nguồn sáng trong đời. Tôi và chúng ta, Nghêu sò ốc hến, Thầy khoá làng tôi, Rừng trúc...
Năm 2001, ông được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật cho các tác phẩm: Những cô gái quan họ, Hồ trên núi, Một thoáng Tây Hồ, Nha Trang thu, Trên đỉnh Phù Vân.
Ngoài các sáng tác nổi tiếng, Phó Đức Phương cũng được biết đến là người quyết liệt trong việc bảo vệ bản quyền tác giả âm nhạc cho các nhạc sĩ. "Trong suốt 18 năm hoạt động trong lĩnh vực quyền tác giả âm nhạc, tôi đã dành hết tâm huyết và trách nhiệm của mình cho việc xây dựng một tổ chức quản lý tập thể hoạt động sao cho có kết quả tốt nhất trong hoàn cảnh thực tế của đất nước cũng như những điều kiện khó khăn cụ thể của trung tâm", nhạc sĩ Phó Đức Phương từng chia sẻ.
Bất cứ ai từng hợp tác với nhạc sĩ Phó Đức Phương đều nhận xét rằng ông là người khó tính. Có lẽ vì thế mà những tác phẩm nổi tiếng ông viết khi đưa đến với công chúng được đón nhận và sống mãi với thời gian. Nhạc của Phó Đức Phương giản dị và thân thương với người nghe trong từng miền quê, dòng sông, con suối trong lời ca ông viết: "Ơi con sông hiền hòa, chở đầy nước ngọt phù sa/ Ơi con sông thiết tha, ấp ôm bến bờ xứ sở/ Sông mấy ngàn năm tuổi/ Miệt mài chảy mãi khôn nguôi/ Chuyện bao đời sông biết cả/ Mà sao vẫn trẻ mãi không già".