Đêm diễn "Khởi nguồn" đã khơi rộng không gian âm nhạc vốn còn nhiều tồn tại ở Việt Nam. Anh có thể giới thiệu một chút về dự án âm nhạc quốc tế này?
- Phong cách âm nhạc của "Khởi nguồn" có nhiều màu sắc của các thể loại âm nhạc như jazz, world music, nhạc điện tử (electronic), nhạc dân gian (traditional) cùng hình thức âm nhạc thể nghiệm (experimental music)... "Khởi nguồn" chỉ là đêm diễn mở đầu cho dự án âm nhạc quốc tế mang tên "Nguồn cội" với sự tham gia của các nghệ sĩ Việt Nam và quốc tế như: Dhafer Youssef (Tunisia) và Rhani Krija (Morocco) - đến từ Bắc Phi, nghệ sĩ Thanh Lam, Kiều Anh - đến từ Việt Nam… Hiện nay chúng tôi đang thu âm cho dự án "Nguồn cội".
Không gian âm nhạc của "Nguồn cội" rộng hơn dự án world music "Đường xa vạn dặm" đã được anh thực hiện cách đây hơn 10 năm. Làm "Nguồn cội" vì Quốc Trung đã có nhiều tiền hay vì anh muốn nó khác với "Đường xa vạn dặm"?
- Ở Việt Nam chúng ta hay làm ngược. Mọi người làm cỗ theo công thức có sẵn. Nếu chúng tôi làm âm nhạc theo công thức sẽ bị gò bó sự sáng tạo. Cách đây hơn một năm, sau liveshow "Những chuyến đi" của ca sĩ Tùng Dương, tôi đã gặp gỡ trao đổi về dự án với nghệ sĩ Nguyên Lê. Sau khi nghệ sĩ Nguyên Lê đồng ý tham gia, chúng tôi tiếp tục gửi thư trao đổi đề nghị các nghệ sĩ đến từ Bắc Phi. Có đầy đủ danh sách nghệ sĩ tham gia, chúng tôi xây dựng concert chương trình.
Nhạc sĩ Quốc Trung và Diva Thanh Lam trong đêm diễn "Khởi nguồn".
Anh có dự định "xuất khẩu" dự án âm nhạc này ra nước ngoài?
- Tôi rất sợ nói trước bước không qua, hoặc nói rồi mọi người cho tôi "nổ" quá. Nhưng khi thực hiện "Nguồn cội", tôi luôn mong muốn sau buổi biểu diễn ở Việt Nam, dự án sẽ đi các festival âm nhạc quốc tế giống như "Đường xa vạn dặm" trước đây.
Giới làm nhạc đều biết sau Vietnam Idol, anh là người "đỡ đầu", cộng tác với ca sĩ Uyên Linh. Gần đây, sự xuất hiện của Uyên Linh có phần giảm sút, có khi nào anh là người can thiệp vào sự xuất hiện của cô ấy trước công chúng?
- Tôi luôn tôn trọng nghệ sĩ và người cộng tác với mình. Bởi vì họ không bao giờ làm tốt công việc họ không thích. Nhưng chúng ta hay làm việc theo quy chuẩn, nghệ sĩ cần phải xuất hiện nhiều trên truyền thông. Uyên Linh không xuất hiện nhiều, không có nghĩa cô ấy không thành công. Có những tác phẩm khán giả không thể cảm nhận ngay mà cần cả chục năm sau. Thời nay, có những nghệ sĩ làm nghệ thuật, còn có những nghệ sĩ làm vì khán giả. Nhạc sĩ không cần phải nổi tiếng, tôi không thích sự nổi tiếng. Tôi rất ngượng với sự xuất hiện của mình, lúc thì liên quan đến Vietnam Idol, lúc lại dính đến Thanh Lam.
Anh nghĩ gì khi NSND Trung Kiên - bố anh có nhận xét rằng: "Ca sĩ Uyên Linh đang nhạt dần vì không có cơ bản?
- Tôi nghĩ rằng bố tôi nói thế không có gì sai, rõ ràng Uyên Linh không được đào tạo bài bản về âm nhạc. Dự án trong phòng thu đầu tiên, tôi cũng rất vất vả với Uyên Linh. Cô ấy hát hoàn toàn bản năng, trong khi ở phòng thu đòi hỏi sự tinh tế, trau chuốt về thanh nhạc. Nhưng không được học không có nghĩa sẽ không thành công. Muốn có thành công, đòi hỏi nghệ sĩ phải cố gắng nhiều hơn, làm việc nhiều hơn. Điều quan trọng của nghệ sĩ là phải tự tin để thành thật với mình.
Xin cảm ơn anh!