Nhạc sĩ Thanh Tùng qua đời: Những lời ca ở lại...

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 5 giờ sáng 15/3, tác giả của những bản tình ca "Hát với chú ve con", "Một mình”, "Lối cũ ta về”… đã trút hơi thở cuối cùng tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), sau quãng thời gian dài chống chọi với bệnh tật hiểm nghèo. Dù biết trước ngày này rồi cũng đến, nhưng tiếc thương vẫn cứ đầy vơi...

Chia tay trần thế ở tuổi 68, nhạc sĩ Thanh Tùng không được liệt vào danh sách người có tuổi thọ xưa nay hiếm. Nhưng nếu biết gần 10 năm ông vật lộn với căn bệnh tai biến thì mới hiểu giá trị của tinh thần và tâm hồn "ẩn" trong người nhạc sĩ tài hoa này. 

7 năm ngồi trên xe lăn, người nhạc sĩ vốn "lãng tử", ngẫu hứng và tình cảm ấy gần như không nói được nhiều, thế mà vẫn đều đặn thói quen đi uống cafe với bạn bè hàng tuần... Để rồi, nơi trái tim nhạc sĩ vẫn cứ run rẩy rung lên những vần điệu, ca từ tình tứ đến ngọt ngào. Trái tim nhạc sĩ là thế, nên dù ngồi trên xe lăn, ông cũng không bao giờ vắng mặt trong bất cứ chương trình âm nhạc nào của mình. 
Nhạc sỹ Thanh Tùng qua đời ở tuổi 68
Nhạc sỹ Thanh Tùng qua đời ở tuổi 68
Rồi điều ấy như tạo thành một thói quen "có ông" trong giới làm nghề, mà đến khi nghe tin ông ra đi bất chợt nhận ra: “Gần 10 năm nay, vào mỗi dịp Hà Nội đón thu, tôi lại tổ chức một chương trình nhạc của Thanh Tùng tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Vẫn là những nhạc phẩm quen thuộc: “Giọt sương trên mí mắt”, “Em và tôi”, “Lối cũ ta về”…, nhưng khán giả vẫn nô nức mua vé vào xem. Năm nay, có thể tôi vẫn theo nhịp của các chương trình năm trước, nhưng sẽ vắng... ông” - NSND Trần Bình - Giám đốc Nhà hát ca múa nhạc đương đại Việt Nam ngậm ngùi chia sẻ.

Thanh Tùng nổi tiếng là người đào hoa, yêu nhiều và được nhiều người yêu. Người ta vẫn còn nhớ đêm nhạc “Lối cũ ta về” năm 2012, khán giả nữ bịn rịn quanh ông đến hơn 1 giờ đêm, khiến ông không thể dời bước. Ngay trên bàn làm việc của nhạc sĩ cũng có hàng chồng thư viết tay của người hâm mộ ngỏ những lời yêu mến. 

Ông không phủ nhận, chính những lúc thả tâm hồn bay bổng cùng những cảm xúc yêu thương ấy, mà các tình khúc nũng nịu, ngọt ngào... đã ra đời. Vậy nhưng, giới nghệ sĩ vẫn rỉ tai nhau, nhạc sĩ Thanh Tùng vô cùng yêu vợ. Sau khi vợ lâm chung, ông vẫn giữ lời hứa "không đi bước nữa", một mình nuôi 3 người con trưởng thành. Những năm gần đây, hễ ai hỏi ông thương ai nhất, nhạc sĩ Thanh Tùng lấy hết sức nói gần tròn vành rõ chữ: “Bà”. Biết những xúc cảm mà Thanh Tùng dành cho vợ, mới hiểu được nghĩa tình trong từng câu hát của bản tình ca “Một mình” mà ông viết tặng bà: "Nhớ em vội vàng trong nắng trưa, áo phơi trời đổ cơn mưa/ Bâng khuâng khi con đang con nhỏ, tan ca bố có đón đưa...".

Những năm cuối đời, nhạc sĩ Thanh Tùng không còn phiêu du nay Nam mai Bắc như thời trẻ, nhưng sâu thẳm trái tim ông vẫn giữ tâm hồn lãng du. Mỗi lần đi nghe nhạc, ông lại gật và lắc lư theo từng giai điệu của khúc ca. "4 năm gần đây, bố tôi không chỉ bị liệt mà hàng tuần phải vào viện chạy thận. Sức khỏe của ông yếu đi trông thấy, nhưng vẫn thèm được sáng tác. Có lần tôi hỏi ông có sáng tác nữa không để tôi mua máy tính. Bố tôi vẫn cố gắng và có thử một vài lần, nhưng vì bệnh có di chứng nặng, lại liệt bên tay phải nên không gõ hay viết được. Thế nhưng, tôi thấy những đam mê của ông vẫn "sống" - anh Nguyễn Thanh Thông - con trai thứ hai của nhạc sĩ Thanh Tùng chia sẻ. Có lẽ vì thế mà người thân của ông đã quyết định chọn giai điệu "Một mình" để tiễn đưa ông về nơi an nghỉ cuối cùng. 

Thế mới biết, trái tim xao xuyến yêu thương, khát khao sáng tác và những nốt nhạc đã theo người nhạc sĩ cho đến tận khi chia lìa dương thế. Bạo bệnh đã dự đoán trước cho người thân, bạn bè và những người không thân nhưng mê đắm nhạc của ông ngày chia xa này, nhưng tiếc nhớ vẫn là điều không thể ngăn cản... Thôi thì, người ra đi về với đất mẹ, yên nghỉ nơi cuối cùng, nhưng những nhạc phẩm ghi tên ông sẽ còn ở lại với trần gian, sẽ còn âm vang trên các sân khấu, để người yêu nhạc mãi cảm nhận: "Lối cũ ta về, dường như nhỏ lại/ Trời xanh xanh mãi, một màu ấu thơ...".