Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhạc sĩ Văn Cao và bản chép tay cuối cùng của bài “Tiến quân ca”

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bản nhạc “Tiến quân ca” do chính nhạc sĩ Văn Cao chép tặng Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam (22/12/1994), chưa đầy 1 năm trước khi ông mất đã trở thành kỷ vật thiêng liêng với bao câu chuyện về Ngày độc lập, đang được trang bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam.

Bản nhạc ''Tiến quân ca'' do nhạc sĩ Văn Cao chép tay đang được trang bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Bà Trần Thu Hà - Phó Trưởng phòng Trưng bày, Bảo tàng Lịch sử quốc gia cho biết: Những ngày tháng 12/1994, sức khỏe của nhạc sĩ Văn Cao đã giảm sút nhiều. Bảo tàng đã cử một đoàn cán bộ đến thăm nhạc sĩ và được ông hào hứng chép tay bản “Tiến quân ca” để lưu lại tại Bảo tàng.

Theo trí nhớ của bà Hà: Thay vì viết lên những khuôn nhạc kẻ sẵn ông tự mình kẻ, viết lại bản “Tiến quân ca” hoàn chỉnh. Nhạc sĩ Văn Cao đã sửa đi, sửa lại 3 bản chép khác để rồi có một bản hoàn chỉnh nhất tặng bảo tàng.

Ở góc phải, nhạc Văn Cao trân trọng viết dòng chữ “Tặng Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, ngày 22/12/1994”. Dòng chữ ông viết đúng vào kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam và cũng là dịp vừa tròn nửa thế kỷ âm hưởng bài hát trở thành Quốc ca của dân tộc. “Có lẽ đây cũng là bản chép tay cuối cùng bản nhạc “Tiến quân ca”” - bà Trần Thu Hà bày tỏ.

Nhắc đến hoàn cảnh ra đời bài hát lịch sử, họa sĩ Văn Thao, con trai cố nhạc sĩ Văn Cao kể, vào đầu tháng 10/1944, nhạc sĩ Văn Cao gặp một cán bộ Việt Minh tên gọi Vũ Quý, tại ga Hàng Cỏ. Vũ Quý khi ấy đang công tác tại Ban cán sự Đảng Hà Nội - nay là Thành ủy Hà Nội. Tại cuộc gặp này, Vũ Quý đã động viên Văn Cao tham gia hoạt động cách mạng và Văn Cao đồng ý.

Nhiệm vụ đầu tiên mà Vũ Quý giao cho nhạc sĩ Văn Cao là soạn một bài hát để động viên tinh thần cho Đội quân Cách mạng, với yêu cầu: Bài hát đó phải là một tiếng kèn xung trận, một hiệu lệnh xuất quân... Đó là chất xúc tác đầu tiên để nhạc sĩ Văn Cao cho ra đời bài “Tiến quân ca”.

Cuối năm 1944, bài hát được hoàn thành, với những lời ca hào hùng: “Đoàn quân Việt Minh đi, chung lòng cứu quốc, bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa… Đoàn quân Việt Minh đi, sao vàng phấp phới, dắt giống nòi quê hương qua nơi lầm than…”. Và cuối cùng ở đoạn cao trào của bài hát như một lời hiệu triệu “Tiến lên! Cùng thét lên! Chí trai là đây nơi ước nguyền…”.

“Bài hát đã làm trong thời gian không biết bao nhiêu ngày, tại căn gác hẹp số 45 Nguyễn Thượng Hiền, bên một cái cửa sổ nhìn sang căn nhà 2 tầng, mấy làn cây và một màn trời xám. Ở đây thường vang lên những tiếng xe bò chở xác người chết đói đi về Khâm Thiên. Ở đây hàng đêm mất ngủ vì gió mùa luồn vào tung khe cửa, vì tiếng đánh chửi nhau của một gia đình anh viên chức nghèo khổ, thiếu ăn, vọng qua những khe sàn gác hở. Ở đây tôi hiểu thêm nhiều chuyện đời. Ở đây đêm đêm có những tiếng gõ cửa, những tiếng gọi đêm không người đáp lại”- người nhạc sĩ Văn Cao đã viết.

Tháng 11/1944, nhạc sĩ Văn Cao được tự tay viết “Tiến quân ca” lên đã in trong trang văn nghệ đầu tiên của tờ báo Độc lập. Một tháng sau khi báo phát hành, khi đi từ cơ quan ấn loát trở về Hà Nội… Qua một đường phố nhỏ (bây giờ là đường Mai Hắc Ðế) ông chợt nghe thấy tiếng đàn măng-đô-lin từ một căn gác vọng xuống. Có người đang tập hát "Tiến quân ca".

“Tôi dừng lại và tự nhiên thấy xúc động. Một xúc động đến với tôi hơn tất cả những tác phẩm của tôi đã được trình diễn ở các rạp hát trước đây. Tôi nhận ra được vài chỗ nhịp điệu còn chưa được hoàn chỉnh. Nhưng bài hát đã in rồi. Bài hát đã được phổ biến và không còn là của riêng tôi…”- cha đẻ của “Tiến quân ca” viết.

Ngày 19/8/1945, một cuộc mít tinh lớn, họp tại quảng trường nhà hát lớn. Dàn đồng ca của Thiếu niên tiền phong hát “Tiến quân ca”, chào lá cờ đỏ sao vàng… Hàng chục ngàn giọng hát cất lên, thét lên tiếng thét căm thù bọn đế quốc với sự hào hứng chiến thắng của cách mạng và người nhạc sĩ ấy đã cảm nhận được bài “Tiến quân ca” đã là của dân tộc Việt Nam độc lập kể từ ngày hôm đó.

Năm 1946, Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa khóa I quyết định chọn Tiến quân ca của Văn Cao làm Quốc ca. Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đất nước hòa bình, Tổ quốc thống nhất, từ năm 1976, Quốc ca nước Việt Nam dân chủ cộng hòa trở thành Quốc ca nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Ngày 15/7/2016, thể theo nguyện vọng của nhạc sĩ Văn Cao lúc sinh thời và ý nguyện của gia đình, ca khúc “Tiến quân ca” - Quốc ca của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chính thức được gia đình cố nhạc sĩ hiến tặng cho Nhà nước và nhân dân Việt Nam, trở thành tài sản - báu vật chung của dân tộc.