Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhận bảo hiểm xã hội một lần 50%, quyền lợi người lao động được bảo đảm?

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) quy định hai phương án nhận bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần. Nhiều người băn khoăn khi chỉ được rút BHXH một lần tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng thì quyền lợi của họ có được bảo đảm hay bị thu hẹp.

Hai phương án nhận bảo hiểm xã hội một lần

Nghị quyết số 28-NQ/TW đặt ra yêu cầu: “Có quy định phù hợp để giảm tình trạng hưởng BHXH một lần theo hướng tăng quyền lợi nếu bảo lưu thời gian tham gia BHXH để hưởng chế độ hưu trí, giảm quyền lợi nếu hưởng BHXH một lần”. Do vậy để giảm tình trạng hưởng BHXH một lần, giúp người lao động thụ hưởng tối đa các quyền lợi dài hạn đến khi nghỉ hưu, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) có nhiều sửa đổi, bổ sung theo hướng gia tăng quyền lợi, tính tính hấp dẫn, khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận BHXH một lần.

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) quy định 2 phương án nhận bảo hiểm xã hội một lần từ năm 2025. Ảnh minh họa: Thanh Hải.
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) quy định 2 phương án nhận bảo hiểm xã hội một lần từ năm 2025. Ảnh minh họa: Thanh Hải.

Đối với quy định hưởng BHXH một lần, Chính phủ đề xuất 2 phương án. Phương án 1 quy định việc hưởng BHXH một lần đối với hai nhóm người lao động khác nhau. Nhóm 1, người lao động đã tham gia BHXH trước khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực, sau 12 tháng nghỉ việc và chưa đủ 20 năm đóng BHXH, có nhu cầu thì được rút BHXH một lần.

Nhóm 2, người lao động bắt đầu tham gia BHXH từ ngày Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực trở đi (dự kiến 1/7/2025) thì không được nhận BHXH một lần. Người lao động chỉ được giải quyết hưởng BHXH một lần trong các trường hợp: Đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu; ra nước ngoài để định cư hoặc bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng theo quy định tại Điều 60 Luật BHXH hiện hành.

Với hai phương án đề xuất, nhiều người lao động nghiêng về phương án 1, nhóm 1 giữ nguyên quy định như hiện nay, đó là người lao động sau 12 tháng nghỉ việc, chưa đủ 20 đóng BHXH được rút BHXH một lần.

Còn với quy định ở nhóm 2 trong phương án 1 sẽ cơ bản giải quyết được vấn đề rút BHXH một lần. “Người lao động không được rút BHXH một lần khi đến tuổi về hưu sẽ được nhận các chế độ phúc lợi bảo hiểm để ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, khi không được rút BHXH một lần thì người lao động khó khăn hoặc có thể gây ra bức xúc trong lượng công nhân viên khi không tham gia nữa mà thời gian đóng ngắn (10 năm trở xuống) chưa đủ điều kiện nhận lương hưu” – Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Matsuo Industries Việt Nam Nguyễn Hoàng Long phân tích.

Người lao động được thụ hưởng tối đa các quyền lợi

Trong trường hợp người lao động không được rút 100% tổng thời gian đã đóng BHXH vào quỹ hưu trí và tử tuất như hiện nay thì nhiều người lao động lựa chọn phương án 2 nhận BHXH 1 lần tối đa không quá 50%. Chị Hà Thị Phương Anh - Chủ tịch Công đoàn Công ty May Liên doanh Plummy cũng thiên về phương án 2 được rút BHXH một lần 50%. Bởi, người lao động có quyền quyết định rút BHXH một lần khi không còn tham gia thị trường lao động và gặp khó khăn cần tiền trang trải. Chị Phương Anh cho rằng phương án này sẽ làm cho người lao động bị nới rộng khoảng cách với điều kiện có thể hưởng lương hưu khi về già.

Bảo hiểm xã hội quận Cầu Giấy tư vấn, phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội. Ảnh: BHXH Cầu Giấy.
Bảo hiểm xã hội quận Cầu Giấy tư vấn, phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội. Ảnh: BHXH Cầu Giấy.

Với hai phương án đề xuất, nhiều người lao động khác cũng nghiêng về rút BHXH một lần tối đa không quá 50% nhưng cho rằng, đề xuất quy định này là đang ngăn cản quyền lợi của họ. Bởi vì người lao động đóng BHXH và chủ sử dụng lao động đóng cho thì người lao động có quyền rút bất cứ lúc nào. Về những ý kiến này, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội, Bộ LĐTB&XH Nguyễn Duy Cường phản hồi: Theo quy định của pháp luật BHXH, trách nhiệm đóng BHXH bắt buộc là cả người lao động và người sử dụng lao động. Việc đóng bảo hiểm là thực hiện các chế độ, quyền lợi cho người lao động.

Mục tiêu của đóng BHXH là để sau này có lương hưu, đảm bảo thu nhập hàng tháng khi về già của người lao động, đang được các quốc gia trên thế giới thực hiện. Các nước quy định người lao động chỉ được hưởng BHXH một lần khi không có cơ hội hưởng lương hưu. Tức là khi người lao động đến tuổi nghỉ hưu mà không đủ thời gian đóng BHXH hoặc ra nước ngoài định cư (được quốc gia khác đảm bảo an sinh) hoặc mắc bệnh hiểm nghèo không còn cơ hội hưởng lương hưu mới được giải quyết BHXH một lần. Rất ít quốc gia như Việt Nam cho người lao động khi đang còn trẻ hưởng BHXH một lần. Tất nhiên, khi người lao động khó khăn trước mắt thì cần phải có các giải pháp, chính sách tháo gỡ; chứ không chỉ sử dụng nguồn quỹ đảm bảo khi về già để giải quyết vấn đề đó.

Trước băn khoăn của người lao động về việc 50% số tiền BHXH còn lại được quản lý thế nào, quyền lợi có được bảo đảm hay bị thu hẹp khi tiếp tục tham gia, ông Nguyễn Duy Cường cho hay: Phần thời gian đóng BHXH còn lại của người lao động vẫn được ghi nhận trên sổ BHXH, để tiếp tục tham gia và thụ hưởng tối đa các quyền lợi về BHXH. Tức là 1 người lao động có thời gian tham gia BHXH 10 năm đề nghị giải quyết hưởng BHXH một lần cho 5 năm thì sẽ còn 5 năm đóng được bảo lưu trên sổ BHXH.  Khi người lao động tiếp tục tham gia BHXH ở một đơn vị mới thì vẫn được ghi nhận đã có 5 năm đóng BHXH. Và khi người lao động phát sinh các chế độ, quyền lợi thì được tính trên tổng thời gian đóng BHXH.