Nhân chứng kể chuyện tác nghiệp tờ báo tuyến lửa

Nhật Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhà báo Thái Duy, 96 tuổi, là người được làng báo Việt Nam khâm phục. Ông không chỉ là nhân chứng hiếm hoi của thời kỳ làm báo tuyến lửa còn sống mà còn là người truyền ngọn lửa nghề cho thế hệ hôm nay.

Các nhân chứng tham quan Triển lãm. Ảnh: Thanh Loan
Tờ báo in trong rừng
Báo Giải phóng ra số đầu tiên vào ngày 20/12/1964. Đây là tờ báo cách mạng, hoạt động trên khắp các chiến trường qua các giai đoạn lịch sử của cách mạng Việt Nam và cả nước. Trong cuộc đối đầu với công nghệ thông tin hiện đại của phương Tây và Sài Gòn, cùng một số cơ quan báo chí khác, tờ báo in trong rừng mang tên Giải phóng đã kiên cường trụ vững để cất lên tiếng nói về cuộc chiến đấu chính nghĩa chống giặc ngoại xâm của Nhân dân miền Nam. Nhân kỷ niệm 56 năm ngày phát hành số đầu tiên của báo Giải phóng, Bảo tàng Báo chí Việt Nam phối hợp với Hội Nhà báo TP Hồ Chí Minh, Thư viện Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, báo Sài Gòn Giải phóng và Đại Đoàn kết ra mắt trưng bày và giới thiệu phim tư liệu “Giải phóng - tờ báo trên tuyến lửa”.

Tề tựu tại sự kiện, những nhà báo kỳ cựu từng đi giữa lằn ranh sống chết đã ôn lại những kỷ niệm của một thời làm báo trong rừng, làm báo thời chiến. Sắp bước sang tuổi 96, nhà báo Thái Duy vẫn kể chuyện làm báo tuyến lửa bằng chất giọng sang sảng. Ông là một trong những nhân chứng ít ỏi tới nay còn sống để kể lại lịch sử. Nhà báo Thái Duy kể, cuối năm 1963 báo Cứu quốc có lệnh cử Tổng Biên tập, Thư ký tòa soạn và một phóng viên vào T.Ư Cục để tổ chức tờ báo tiếng nói của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. “Tôi lại được theo Tổng Biên tập và Thư ký tòa soạn đi B. Đầu năm 1964, ngay sau Tết Âm lịch, tôi và anh Tống Đức Thắng đi đường bộ, còn Tổng Biên tập chân có tật đi cà nhắc được đi tàu biển - còn gọi là đường Hồ Chí Minh trên biển” - nhà báo Thái Duy kể. Thời ấy, ông bảo viết báo không dám ký tên thật vì đảm bảo sự an toàn cho phóng viên.

Nhà báo Nguyễn Hồ nói từng con chữ thấm máu không hề ngoa, bởi nhiều phóng viên di chuyển giữa lằn ranh sống chết để chứng kiến và đưa tin lên mặt báo. Có nhà báo từng hai lần được cơ quan truy điệu, thậm chí được lập mộ. Ông khóc khi nhắc lại kỷ niệm làm báo giữa thời bom đạn ấy. Suốt 12 năm làm báo kháng chiến, tờ Giải phóng quy tụ đội ngũ ba miền Bắc - Trung - Nam, nhiều nhà báo không ngại gian khổ, hy sinh. Nhà báo Nguyễn Hồ nhớ lại: “Xuân Mậu Thân nổ ra, chúng tôi vừa được lệnh tập hợp lại nhưng trong tay chưa có gì để ra báo cả. Toàn bộ người khỏe mạnh đi làm phóng viên các chiến trường. Một số cán bộ làm lính Mậu Thân, chiến đấu trong Sài Gòn. Hai nhà báo hy sinh là Quốc Hùng và Nguyễn Cảnh Hân. Số ở lại chuẩn bị tục bản tờ báo trong tình cảnh đầy khó khăn. Cuối năm 1968 tờ báo tục bản”.

Những thước phim giá trị

Sau ngày thống nhất đất nước 30/4/1975, những người làm báo Giải phóng từ chiến khu trở về đã tiếp tục ra 15 số báo Sài Gòn Giải phóng đầu tiên. Đến năm 1977, báo Giải phóng chính thức cùng báo Cứu quốc sáp nhập thành báo Đại Đoàn kết, thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Phim tư liệu “Giải phóng - tờ báo trên tuyến lửa” dài 26 phút, không chỉ ghi lại chiều dài lịch sử của tờ báo mà có nhiều tư liệu và sự kiện được công bố lần đầu, như: Những mốc son lịch sử ra đời của tờ Giải phóng và hoạt động của tờ báo trên khắp các chiến trường, qua các giai đoạn lịch sử cách mạng miền Nam và cả nước.

“Đây là phim tư liệu đầu tiên về báo Giải phóng được thực hiện, là kết quả của sự gặp gỡ giữa những người làm Bảo tàng Báo chí Việt Nam và những nhà báo tâm huyết, trách nhiệm với lịch sử và đất nước. Không ai, không điều gì bị quên lãng, bằng những ký ức được tập hợp, lưu giữ và khai thác của chính những người trong cuộc. Bộ phim bước đầu kể với công chúng câu chuyện về một tờ báo làm nhiệm vụ đấu tranh thống nhất đất nước và hoàn thành sứ mệnh lịch sử” - nhà báo Trần Kim Hoa - Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam nói.

Phim chiếu phục vụ công chúng đến tham quan Bảo tàng Báo chí Việt Nam, phục vụ các nhà nghiên cứu lịch sử và sinh viên báo chí trong quá trình tiếp cận, tìm hiểu về lịch sử báo chí Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ và những năm đầu sau khi đất nước được thống nhất.