KTĐT- Là nước xuất khẩu số một thế giới, Trung Quốc hiện vẫn giao dịch chủ yếu với các nước bằng USD. Nhưng từ năm 2009, đồng tiền này bắt đầu được cho thí điểm trong thương mại và tài chính quốc tế ở Hồng Kong.
Sau Hồng Kông, Singapore có thể là thị trường thứ hai giao dịch bằng đồng Nhân dân tệ. Đây có thể coi là một bước tiến lớn của đồng tiền Trung Quốc trên chặng đường quốc tế hóa.
Theo bài viết của tờ Le Monde được trang RFI dẫn lại, từ năm 2009, Trung Quốc cho sử dụng đồng Nhân dân tệ trong giao dịch thương mại ngoài đại lục, và nơi được chọn là Hồng Kông, giờ đây, đồng tiền này bắt đầu chinh phục thị trường Singapore.
Là nước xuất khẩu số một thế giới, Trung Quốc hiện vẫn giao dịch chủ yếu với các nước bằng USD. Nhưng từ năm 2009, đồng tiền này bắt đầu được cho thí điểm trong thương mại và tài chính quốc tế ở Hồng Kong. Bài báo cho biết, tiến trình quốc tế hóa đồng tiền của nền kinh tế thứ hai thế giới đang tiến những bước dài.
Sau Hồng Kông, Singapore sẽ là thị trường thứ hai trong giao dịch bằng đồng Nhân dân tệ. Singapore cho rằng việc này mang lại nhiều lợi ích. Trên thực tế, Singapore là thị trường hối đoái đứng thứ hai ở châu Á, sau Nhật Bản.
Nhà cầm quyền Singapore nhấn mạnh, trước hiện tượng quốc tế hóa ngày càng mạnh của đồng Nhân dân tệ và chính sách mở rộng phạm vi hoạt động cuả đồng tiền này trong giao dịch thương mại xuyên quốc gia của Bắc Kinh, Singapore là nước ở thế thuận lợi để sử dụng đồng Nhân dân tệ trong giao dịch với Trung Quốc.
Tờ Financial Times dẫn lời Cơ quan quản lý tiền tệ Singapore cho biết, Bắc Kinh sẽ sớm chọn ra một ngân hàng của Trung Quốc để quản lý hoạt động giao dịch đồng Nhân dân tệ tại Singapore. Đó có thể là ngân hàng Công Thương Trung Quốc hoặc Bank of China, hai nhà băng hoạt động mạnh ở Singapore.
Từ động thái này, các ngân hàng Singapore sẽ có thể tiếp cận với nguồn vốn Nhân dân tệ ngay trong nội địa, mà không cần phải giao dịch thông qua ngân hàng tại Hồng Kông hay ngân hàng thương mại tại Trung Quốc đại lục.
Chiến lược gia tiền tệ Mirza Baig thuộc ngân hàng Deustche Bank tại Singapore, cho rằng, đây là bước tiến đáng kể. “Hãy nghĩ đến một ngân hàng thanh toán bù trừ trực tiếp từ Trung Quốc đại lục sang Singapore. Ngân hàng Singapore sẽ không cần thiết phải qua trung gian Hồng Kông”, ông Baig nói.
Năm 2010, giao dịch giữa Singapore và Trung Quốc đạt 95,3 tỷ USD, tăng 26%. Tuy vậy, nước này không thể vượt qua vùng lãnh thổ Hồng Kông, vốn được xem là "vệ tinh tài chính tự nhiên" của Trung Quốc. Nhiều ngân hàng đại lục hoạt động ở Hồng Kông, trong khi Singapore chỉ là sàn giao dịch, nhất là về dầu thô.
Riêng về chính sách quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ, sau khi thâm nhập thị trường chứng khoán Hồng Kông hồi năm 2009, Bắc Kinh đã cho phép ngày càng nhiều công ty Trung Quốc được giao dịch thương mại ở nước ngoài bằng đồng tiền này.
Chỉ trong 6 tháng cuối năm 2010, có đến 67.000 công ty xuất khẩu được cấp phép, trong khi sáu tháng đầu năm 2010, con số này chỉ là 365. Gần 7% giao dịch của Trung Quốc với các nước trong 3 tháng đầu năm nay được thực hiện bằng đồng Nhân dân tệ.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điều bất cập trong chính sách quốc tế hóa nội tệ của Trung Quốc. Một trang mạng kinh tế ở Bắc Kinh nhấn mạnh, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc tái nhập đồng tiền này vào thị trường nội địa.
Le Monde dẫn nhận định từ mạng tin tức này nhận định, Chính phủ Trung Quốc "chưa mở van đủ to", do đã thiết lập nhiều quy định phức tạp cho các doanh nghiệp trong mục tiêu tránh sự xâm nhập của các dòng chảy đầu cơ.
Trong một diễn biến khác cũng liên quan tới việc quốc tế hóa Nhân dân tệ, Phó thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) Yi Gang hôm 17/4 phát biểu, Nhân dân tệ sắp trở thành một đồng tiền tự do chuyển đổi, và nên được đưa vào rổ tiền tệ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế.
Ông cho rằng, IMF nên đưa ra các tiêu chí khác cho các loại tiền tệ được đưa vào rổ tiền SDR. Theo ông, loại tiền trong SDR phải là đồng nội tệ của các quốc gia xuất khẩu lớn và Trung Quốc đáp ứng đầy đủ yêu cầu này.
Mở rộng rổ tiền SDR sẽ hỗ trợ sự tăng trưởng toàn cầu, giảm sự mất cân bằng và cung cấp một mạng lưới tài chính an toàn trong thời điểm khủng hoảng. Theo ông Yi, mở rộng rổ tiền tệ sẽ càng giúp SDR mang tính đại diện cho các hệ thống tiền tệ quốc tế hơn nữa.
Thêm đồng Nhân dân tệ vào rổ tiền tệ SDR sẽ là một sự công nhận tầm ảnh hưởng kinh tế Trung Quốc trên toàn thế giới. Nó cũng có thể là một cách khuyến khích Bắc Kinh tăng tốc độ cải cách hệ thống ngoại hối của mình.
Tuyên bố của ông Yi Gang khá trái ngược với diễn biến tại hội nghị không chính thức cấp bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương G-20 đầu tháng này tại Nam Kinh (Trung Quốc). Khi đó, Tổng thống Pháp đã khiến dư luận quốc tế ngạc nhiên khi đề nghị IMF mở rộng SDR cho đồng Nhân dân tệ.
Tuy nhiên, tại thời điểm đó, ngoài sự phản đối của Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ, ngay cả Trung Quốc cũng thể hiện quan điểm chưa muốn đồng Nhân dân tệ của nước này tham gia SDR.