Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhận diện rõ hơn những thách thức

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phát biểu kết luận tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2016 diễn ra ngày 26/3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu tiếp tục phát huy mặt tích cực, thuận lợi, ra sức khắc phục hạn chế, yếu kém, hoàn thành cao nhất các mục tiêu, kế hoạch đã đề ra.

Tránh việc đùn đẩy trách nhiệm
Liên quan đến các vấn đề thuế xăng dầu, gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng và ATTP, theo yêu cầu của Thủ tướng, các cơ quan chức năng phải giải trình công khai, minh bạch để người dân hiểu.

Trước việc dư luận bức xúc về cơ chế tính thuế nhập khẩu (NK) xăng dầu bất hợp lý trong công thức tính giá cơ sở, tạo kẽ hở cho DN lợi dụng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định, việc đổ trách nhiệm giữa Bộ Tài chính và Công Thương "không giải quyết vấn đề gì, quan trọng là phải khắc phục" và cho biết: "Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 48/TT-BTC giảm thuế suất thuế ưu đãi (MFN) của mặt hàng dầu từ 13% và 10% xuống 7%, giữ nguyên mặt hàng xăng 20%”. Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, xác định mức thuế suất thuế NK là bình quân gia quyền các mức thuế ưu đãi và biểu thuế theo các hiệp định thương mại mà Việt Nam tham gia. Với cách "sửa sai" trên, thời gian tính bình quân hàng quý sẽ đảm bảo tính ổn định.
Mua bán xăng tại một cửa hàng trên đường Xuân Thủy, quận Cầu Giấy. 	Ảnh: Phạm Hùng
Mua bán xăng tại một cửa hàng trên đường Xuân Thủy, quận Cầu Giấy. Ảnh: Phạm Hùng
Liên quan đến truy thu lại khoản chênh lệch thuế 3.500 tỷ đồng, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, theo rà soát sơ bộ tổng thu thuế NK xăng dầu của 23 DN xăng dầu tính đến 24/3 là 3.475 tỷ đồng, bao gồm cả năm 2015 và đầu năm nay. Trong đó, thuế VAT là 335 tỷ đồng, được hoàn và không làm giảm số thu của ngân sách Nhà nước và DN cũng không được hưởng số tiền này. Vì vậy, Bộ trưởng cho biết thực chất số tiền hoàn thuế chỉ còn 3.120 tỷ đồng. Trong tổng số này có 2.794 tỷ đồng là của 11 DN Nhà nước (DNNN), chiếm 88% thị phần tiêu thụ cả nước, còn lại 325 tỷ đồng của 12 DN tư nhân chiếm 12% thị phần.

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, sau khi nộp thuế và trích lập các quỹ, khoản tiền của 11 DNNN còn lại 2.179 tỷ đồng và 254 tỷ đồng của 12 DN tư nhân. Khoản tiền của 11 DNNN sẽ nộp vào ngân sách Nhà nước theo quy định. Tuy nhiên, với DN tư nhân, Bộ trưởng thừa nhận "khó có cơ sở thu hồi".

Về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu báo cáo rõ việc hoàn thuế cho các DN cũng như việc xử lý khoản lợi nhuận của các DNNN đúng theo Nghị quyết của Quốc hội: "Còn lại 12 DN tư nhân, tổng số thực có 254 tỷ đồng thì phải điều tra làm rõ và công khai". Thủ tướng cho biết, các bộ cần theo dõi thêm việc tính theo mức mới. Nếu cần điều tiết, 2 Bộ phải báo cáo. Ngoài ra, cơ quan điều hành phải giải đáp, giải trình công khai, minh bạch để dân và chuyên gia hiểu.

Cảnh báo từ nhiều ngành kinh tế

Tình hình kinh tế - xã hội quý I/2016 đã đạt được một số kết quả tích cực, như: Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát... Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh, nền kinh tế vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức. Tốc độ tăng trưởng GDP và tốc độ tăng khu vực công nghiệp chậm lại và thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước. Riêng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng trưởng âm 1,23% do thiên tai, rét hại, băng giá, hạn hán, xâm nhập mặn...

Tốc độ tăng xuất khẩu thấp hơn so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt là sự giảm sút nhập khẩu thiết bị máy móc, nguyên vật liệu... sẽ tác động xấu đến hoạt động đầu tư và sản xuất trong nước. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cần tiếp tục phát huy mặt tích cực, thuận lợi, ra sức khắc phục hạn chế, yếu kém, hoàn thành cao nhất các mục tiêu, kế hoạch đã đề ra.

Trước ý kiến đề nghị kéo dài thời hạn giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng của Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước, tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu tính toán cụ thể nguồn ngân sách. Theo số liệu thống kê, đến nay các ngân hàng đã ký các hợp đồng tín dụng, cho vay với tổng số tiền 29.600 tỷ đồng (tức tiền cam kết đã đạt 99%), giải ngân cũng đã đạt 21.000 tỷ đồng (tương đương 70%). "Đến 1/6 năm nay, chương trình kết thúc, phần còn lại rất ít nên việc kéo dài hạn giải ngân cho đến hết gói là hợp lý mà theo tính toán cũng chỉ hết năm nay là gọn” - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước  Nguyễn Văn Bình cho biết. Liên quan đến hướng liệu có triển khai một gói tín dụng mới tương t như gói 30.000 tỷ đồng không, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng: “Để có thể triển khai gói tín dụng hỗ trợ nhà ở mới, phải có đề án cụ thể trình Chính phủ xem xét. Trong đó, phải làm rõ nguồn vốn lấy từ đâu, ai cho vay, phải rất rõ mới làm được…”.