Nguyên nhân và dấu hiệu tội phạm
Theo bà Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó Chủ tịch Hội LHPN TP Hà Nội, tình hình tội phạm MBN ngày càng diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi, xâm hại nghiêm trọng quyền con người. Mục đích chính của tội phạm MBN là bán nạn nhân vào các ổ mại dâm, các dịch vụ vui chơi, giải trí và bóc lột sức lao động để kiếm lời bất chính. Gần đây, Công an phát hiện một số trường hợp MBN nhằm mua bán nội tạng, bộ phận cơ thể.
Theo Đại úy Lục Thanh Huyền - cán bộ Đội cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, Công an quận Hà Đông: Người bị nạn trong các vụ MBN chủ yếu là phụ nữ và trẻ em. Gần đây nạn nhân là một số trẻ bé trai, nam giới trưởng thành. Nạn MBN diễn ra do sự cấu kết giữa các đối tượng trong và ngoài nước. Tại Hà Nội, tội phạm MBN tìm những vùng xa trung tâm, khu vực bến tàu, xe, người dân còn hạn chế về hiểu biết, dùng chiêu thức dụ dỗ để thực hiện hành vi.
Người dễ bị lôi kéo là người thất nghiệp, trẻ em thiếu sự quan tâm của gia đình, không được đi học; một số có nhu cầu lấy chồng nước ngoài; người dân tộc thiểu số… 80% là nạn nhân của vụ MBN do có nhu cầu về vật chất, trình độ nhận thức kém và cả tin.
Tích cực phòng chống
Hà Nội là địa bàn chính để cho các đối tượng tìm kiếm nạn nhân và là nơi trung chuyển đưa người ra biên giới. Năm 2019, trên địa bàn Hà Nội đã xảy ra 5 vụ án MBN, với 12 đối tượng, có 8 nạn nhân, trong đó 3 nạn nhân là người Hà Nội.
Đại úy Lục Thanh Huyền cho biết thêm: Chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm 2020 trên địa bàn quận đã xảy ra 3 vụ MBN. Các đối tượng có những hành vi rất tinh vi. Cụ thể, như đối tượng Vũ Mạnh Thắng, trú tại Duy Tiên (Hà Nam) đã đi bán thận năm 2018. Khi thấy việc mua bán thận có thu nhập, đối tượng lên mạng lôi kéo, tìm kiếm người có nhu cầu về tiền và tình cảm, đưa họ về nuôi ăn, nghỉ. Thắng cũng lên mạng tìm người mua thận để kết nối bán lấy tiền chênh lệch.
Trước đây, các đối tượng là người ngoài nhưng thời gian gần đây đối tượng là anh em trong nhà, họ hàng. Đây cũng là điểm khó cho cơ quan chức năng trong việc điều tra. Tội phạm này có đường dây, ổ nhóm hoạt động tinh vi. Còn nạn nhân bị đưa ra nước ngoài không có đầu mối để điều tra và không muốn cung cấp thông tin cho cơ quan điều tra.
Trước diễn biến phức tạp này, Hội LHPN Hà Nội đã kiện toàn, củng cố 80 báo cáo viên pháp luật đạt chuẩn, tổ chức 50 cuộc tập huấn báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật tại cấp TP và cấp huyện cho trên 7.500 lượt người. Các cấp hội đã tổ chức 6 buổi tuyên truyền cho hơn 1.000 lượt người hàng năm về phòng chống MBN tại các địa bàn trọng điểm, nơi có nhiều lao động nhập cư sinh sống, thuê trọ và làm việc.
Tích cực phối hợp với các bộ, ngành, đoàn thể từ T.Ư tới địa phương, làm nòng cốt trong hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng chống MBN tới hơn 10.000 lượt người; duy trì hoạt động của 15 CLB “Phòng chống buôn bán phụ nữ trẻ em”, 122 CLB “Phụ nữ và pháp luật”, 1.899 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng… thu hút hàng nghìn thành viên tham gia sinh hoạt. Hội cũng tổ chức các cuộc đối thoại và tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý; phát hiện và tham gia ngăn chặn kịp thời một số vụ việc mua bán phụ nữ, đồng thời quan tâm giúp đỡ các nạn nhân bị mua bán hòa nhập, vươn lên trong cuộc sống.
Tại các buổi tuyên truyền, Hội LHPN đều khuyến nghị hội viên phụ nữ và trẻ em phải tự cảnh giác với những lời dụ dỗ về lợi ích vật chất, việc làm bất thường. Thường xuyên tìm hiểu nâng cao trình độ văn hóa, sức khỏe sinh sản. Khi phát hiện hoặc nghi ngờ phải báo ngay cho chính quyền địa phương. Mỗi người dân phải đoàn kết cùng chống lại tệ nạn MBN người.
Theo báo cáo của Bộ Công an, từ 2016 đến tháng 6/2020, cả nước có hơn 2.000 vụ MBN liên quan đến trên 3.000 đối tượng, với 5.000 nạn nhân. Trung bình mỗi năm có khoảng trên 900 nạn nhân của tội phạm MBN. |