Nhận định đề thi thử THPT Quốc gia tại Hà Nội môn khoa học tự nhiên

Ngọc Tú-Việt Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 28/3, hơn 65.000 học sinh lớp 12 ở Hà Nội tiếp tục bước vào bài thi môn Khoa học Tự nhiên (KHTN) trong đợt kiểm tra chất lượng toàn TP.

Theo nhận xét của các giáo viên thuộc Hệ thống HOCMAI, đối với đề kiểm tra khảo sát môn Sinh học năm nay nhẹ nhàng hơn so với. Đề này hoàn toàn phù hợp với các em học sinh đang ở giai đoạn ôn thi học kỳ cũng như chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia sắp tới.
Đề gồm 40 câu từ 81-120, bao gồm 90 % các câu hỏi thuộc kiến thức lớp 12, 10 % các câu hỏi thuộc kiến thức lớp 11. Các câu hỏi lớp 12 bám sát cấu trúc 7 chuyên đề: Cơ chế di truyền và biến dị, quy luật di truyền, di truyền quần thế, di truyền người, ứng dụng di truyền, tiến hóa, sinh thái. Các câu hỏi lớp 12 có đủ 4 mức độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao.
Các câu hỏi lớp 11 chỉ thuộc 1 Chương: Chuyển hóa vật chất và năng lượng và chỉ thuộc mức độ nhận biết, thông hiểu. Số lượng câu hỏi đếm của đề kiểm tra khảo sát là 10/40 câu, giảm so với đề THPT quốc gia 2018 (17/40 câu). Tỉ lệ câu hỏi nhận biết, thông hiểu so với vận dụng, vận dụng cao là 70:30 vì vậy học sinh không khó đạt được điểm 5, 6 với đề thi này.
Các thí sinh tại trường THPT Quang Trung - Hà Đông thi sáng 28/3. Ảnh: Việt Trang.
Trong khi đó, đối với đề thi môn Vật lí có nội dung nhẹ nhàng hơn đề thi THPT quốc gia 2018. Đề thi hoàn toàn phù hợp với các em học sinh đang ở giai đoạn ôn thi học kỳ cũng như chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia sắp tới. Nội dung kiến thức của đề thi bao gồm chủ yếu kiến thức lớp 12 mà học sinh đang học trên lớp: 90% - còn lại 10% là kiến thức lớp 11.
Phạm vi kiến thức trong đề: Vật lí 11 và Vật lí 12, bao gồm 6 chuyên đề lớp 12: Dao động cơ; Sóng cơ; Dòng điện xoay chiều; Dao động và Sóng điện từ; Sóng ánh sáng; Lượng tử ánh sáng; và 3 chuyên đề Vật lí lớp 11: Dòng điện không đổi; Cảm ứng điện từ; Mắt. Các dụng cụ quang. Không có nội dung câu hỏi thuộc chương trình Vật lí 10. Ngoài ra, đề có một số câu hỏi được lồng ghép kiến thức Vật lí 10, 11 vào kiến thức Vật lí 12, ví dụ như câu 34, 37 và 38 mã đề 006). Tỉ lệ câu hỏi nhận biết, thông hiểu so với vận dụng, vận dụng cao là 60:40 vì vậy học sinh không khó đạt được điểm 5, 6 với dạng đề thi này.
Các thí sinh đầu tiên tại trường THPT Yên Hòa - Cầu Giấy ra khỏi phòng thi. Ảnh: Ngọc Tú
Còn đối với đề thi môn Hóa học, nội dung kiến thức của đề thi bao gồm chủ yếu kiến thức lớp 12 mà học sinh đang học trên lớp: 85% - 90% còn lại 10% -15% là kiến thức lớp 11 (Sự điện li, đại cương hóa hữu cơ, Hidrocacbon). Tỉ lệ câu hỏi thuộc chương trình Hóa học 11 là 13 %, còn lại 87% là các câu hỏi thuộc chương trình lớp 12, không có câu hỏi chỉ thuộc chương trình lớp 10.  Trong đó, tỉ lệ câu hỏi thuộc chương trình Hóa học 11 được đưa vào đề thi là khoảng 13%, tập trung chủ yếu vào các chương sự điện li, nitơ, photpho, đại cương hóa hữu cơ và chủ yếu thuộc các cấp độ nhận biết/thông hiểu và vận dụng thấp.
Các câu hỏi vận dụng cao để phân loại học sinh vẫn nằm trong các chuyên đề lớn là Este, lipit, tổng hợp hóa học vô cơ, tổng hợp hóa học hữu cơ, kim loại kiềm, kiềm thổ, nhôm và hợp chất thuộc chương trình Hóa học 12. Ngoài ra, trong đề thi vẫn có xuất hiện một số câu hỏi hướng về thí nghiệm thực hành. Đề thi  cũng vẫn xuất hiện câu hỏi rơi vào dạng hóa học gắn với thực tiễn.