Đó là chia sẻ của Đại tá Nguyễn Ngọc Quyền – Trưởng Công an quận Hà Đông tại Tọa đàm “Nâng cao hiệu quả, tạo bước đột phá trong công tác nắm tình hình, tham gia giải quyết mâu thuẫn nội bộ Nhân dân; xây dựng mô hình Tổ hòa giải cơ sở kiểu mẫu về ANTT trên địa bàn” vừa được tổ chức.
Người “vác tù và” giữ vai trò đặc biệt quan trọng
Theo Đại tá Nguyễn Ngọc Quyền – Trưởng Công an quận, Phó Trưởng ban Thường trực BCĐ 138 quận Hà Đông (Hà Nội), công việc Tổ hòa giải rất vất vả, thậm chí nguy hiểm. Trong bối cảnh chế độ chính sách được hỗ trợ còn ít, nhưng các bác, các cô, các chú vẫn rất nhiệt huyết, dành thời gian quý báu của mình hỗ trợ nhiều cho cơ quan chức năng. Tinh thần trách nhiệm ấy là động lực, là tấm gương để mỗi CBCS Công an quận Hà Đông thêm cố gắng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giữ vững bình yên địa bàn.
Đại tá Nguyễn Ngọc Quyền thông tin: Trong thời gian vừa qua, nhiều địa phương đã xảy ra một số vụ án đặc biệt nghiêm trọng xuất phát từ mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân. Những vụ việc nghiêm trọng đó gây mất ANTT địa phương, bức xúc dư luận, gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng vi phạm pháp luật xuất phát từ mẫu thuẫn trong nội bộ nhân dân nếu không được phát hiện và giải quyết kịp thời.
Trước thực trạng ấy, bám sát chỉ đạo của Công an TP Hà Nội, UBND quận về nâng cao hiệu quả công tác nắm tình hình, giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, không để mâu thuẫn kéo dài, phức tạp theo phương châm “từ mâu thuẫn to thành nhỏ, từ nhỏ thành không còn mâu thuẫn”; Công an quận Hà Đông đã ban hành các kế hoạch, hướng dẫn, chỉ đạo các đội nghiệp vụ, công an các phường tập trung triển khai nâng cao hiệu quả, tạo bước đột phá trong công tác nắm tình hình, giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân; xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá của công tác quản lý hành chính năm 2023.
Trưởng Công an quận Hà Đông đánh giá, thực tế cho thấy, những mâu thuẫn, tranh chấp nếu không được giải quyết kịp thời, triệt để có thể bùng phát thành vụ án hình sự, gây mất đoàn kết trong nội bộ nhân dân. Để có thể nắm tình hình, kịp thời phát hiện và giải quyết, hoà giải có hiệu quả các mâu thuẫn, hạn chế phát sinh vi phạm pháp luật, rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó các Tổ hoà giải cơ sở giữ vai trò đặc biệt quan trọng, đáp ứng các tiêu chí “nhanh chóng”, “kịp thời” và “triệt để”, không để phát sinh thành các hành vi vi phạm pháp luật, đơn thư, khiếu kiện.
Phương châm gây dựng “vườn cây” từ những “hạt giống” tốt
Lãnh đạo Công an quận Hà Đông cho hay, thời gian qua, Công an quận đã tích cực tham mưu lãnh đạo Ủy ban quận chỉ đạo UBND các phường tập trung củng cố, kiện toàn hoạt động các Tổ hòa giải; đưa Cảnh sát khu vực phụ trách địa bàn vào làm thành viên Tổ hoà giải để tăng cường công tác nắm tình hình những mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, từ đó giải quyết kịp thời, dứt điểm không để mâu thuẫn trở thành thù tức, phức tạp kéo dài, phát sinh tội phạm. “Gây dựng “vườn cây” từ những “hạt giống” tốt” là phương châm mà Công an quận Hà Đông đề ra, trong công tác tham mưu, triển khai nâng cao sức mạnh, trách nhiệm của các Tổ hòa giải và Hòa giải viên.
Điển hình là Tổ hòa giải của Tổ dân phố 9 phường Quang Trung, nơi đang được xây dựng là Tổ hoà giải cơ sở kiểu mẫu về ANTT. Từ năm 2020 đến nay, Tổ hòa giải Tổ dân phố 9 đã hòa giải thành công 16/22 vụ mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân trên địa bàn; đã giúp lực lượng công an cơ sở nắm bắt kịp thời các vụ việc mâu thuẫn ngay từ khi mới hình thành, không để phức tạp kéo dài, đồng thời cũng làm giảm đáng kể thời gian trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn phường… Để có được tính hiệu quả, Tổ hoà giải tổ dân phố 9 đã thành lập và tổ chức triển khai thực hiện một cách khoa học, bài bản...
Từ một trong trong những “hạt giống” Tổ hòa giải tổ dân phố số 9 phường Quang Trung; tính đến nay, trên địa bàn quận Hà Đông có 249 tổ hoà giải/257 tổ dân phố với 1.591 thành viên. Đội ngũ hòa giải viên – những người “tác tù và hàng tổng” khiêm nhường, mẫn cán và trách nhiệm ấy, đã, đang và sẽ là vốn quý hết sức quan trọng của quận Hà Đông, trên mặt trận giữ gìn bình yên địa bàn và hạnh phúc của từng mái ấm gia đình…
Tại tọa đàm, gần 20 ý kiến thông tin, hỏi đáp đã được các bác đại diện Tổ hòa giải cơ sở đưa ra, và lần lượt được các đồng chí trong Ban chỉ huy Công an quận; đại diện lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc quận, lãnh đạo UBND các phường hồi đáp, đều là những vấn đề, tình hình, nguyện vọng sát sườn, thực tế trong công tác hòa giải ở cơ sở...
Đại diện gần 250 Tổ hòa giải trên địa bàn quận Hà Đông có cùng cảm nhận, đây là lần đầu tiên, tọa đàm hết sức bài bản, thẳng thắn, cầu thị. Qua đó, họ được giãi bày, được chia sẻ về công việc “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” dù vất vả, khó khăn, nhưng hết sức vinh dự, tự hào, bởi được góp sức mình giữ bình yên địa bàn...
Bày tỏ, gửi lời cảm ơn chân thành, tri ân toàn thể đội ngũ Hòa giải viên quận Hà Đông, Đại tá Nguyễn Ngọc Quyền chia sẻ: “Các bác, các cô, các chú - những người được mọi người yêu mến đặt tên cho công việc là “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” – đã và đang gắn bó với công việc bằng cái tâm của mình. Công việc Tổ hòa giải rất vất vả, thậm chí nguy hiểm. Trong bối cảnh chế độ chính sách được hỗ trợ còn ít, nhưng từng Hòa giải viên vẫn rất nhiệt huyết, dành thời gian quý báu của mình hỗ trợ nhiều cho cơ quan chức năng”.
Đánh giá cao ý kiến được đại diện các Tổ hòa giải nêu tại Tọa đàm; ghi nhận nội dung quan trọng của Tọa đàm là đã được phổ biến các phương thức, cách thức nhận diện mâu thuẫn và công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật, Trưởng Công an quận, Phó trưởng Ban Thường trực BCĐ 138 quận Hà Đông đề nghị các ban, ngành, đoàn thể và UBND các phường phối hợp với lực lượng Công an thực hiện nghiêm nhiều nội dung công tác trọng tâm.
Trước hết, đối với UBND phường, 248 Tổ hòa giải ở cơ sở đã được kiện toàn tại các tổ dân phố (trong mỗi Tổ đều có 1 đồng chí Cảnh sát khu vực là thành viên). Các Tổ hòa giải cần ngay lập tức đi vào hoạt động, phát huy được vai trò tích cực của các thành viên Tổ trong việc giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp đồng thời nắm bắt thông tin về ANTT tại cơ sở hỗ trợ cho lực lượng công an và cấp ủy chính quyền cơ sở…
Đồng thời, chỉ rõ trách nhiệm đối với lực lượng công an, là tham mưu UBND quận tiếp tục quan tâm hơn nữa đối với các Tổ hòa giải ở cơ sở nhằm phát huy vai trò của các tổ chức quần chúng trong công tác phát hiện, hòa giải mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân tại cơ sở ngăn chặn khiếu kiện phức tạp, kéo dài, phòng ngừa phát sinh tội phạm hình sự ảnh hưởng đến tình hình ANTT ở cơ sở.
“Công an các phường (đặc biệt lực lượng CSKV) chủ động nắm tình hình, tiếp nhận xử lý thông tin phát sinh mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, thường xuyên tiến hành rà soát, phát hiện, lên danh sách các trường hợp mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, từ đó xác minh làm rõ các nguyên nhân mâu thuẫn để tiến hành các biện pháp hòa giải, ngăn chặn việc sử dụng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn, nhất là gây ra các vụ án nghiêm trọng”, Đại tá Nguyễn Ngọc Quyền nhấn mạnh.
Đối với thành viên Tổ hòa giải, cần tiếp tục nâng cao trách nhiệm trong thực hiện hòa giải. Tổ chức trao đổi kinh nghiệm, thảo luận các giải pháp để tiến hành hòa giải vụ, việc phức tạp. Đẩy mạnh công tác phối hợp với Ban công tác Mặt trận, Chi hội phụ nữ, Chi đoàn thanh niên, Chi hội người cao tuổi, các tổ hòa giải và tổ chức, cá nhân khác trong hoạt động hòa giải ở cơ sở. Nhiệm vụ quan trọng khác được đặt ra đối với các ban ngành, đoàn thể, đó là nâng cao công tác phối hợp với các Tổ hòa giải cơ sở để tham gia giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ Nhân dân từ sớm, từ xa, đầy đủ, chính xác, đúng quy định của pháp luật và chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao...
Để trang bị cho các Tổ hoà giải những kiến thức cơ bản về cách thức, quy trình thực hiện hoà giải mâu thuẫn nội bộ nhân dân, căn cứ quy định của pháp luật, Công an quận Hà Đông đã nghiên cứu, xin ý kiến góp ý của các chuyên gia, của các phòng nghiệp vụ thuộc Công an TP Hà Nội, cơ quan, ban ngành thuộc UBND quận Hà Đông, từ đó biên soạn và phát hành cuốn “Sổ tay Dành cho cán bộ tổ hoà giải cơ sở tham gia đảm bảo ANTT trên địa bàn quận”. Sổ tay bao gồm 3 nội dung chính: Nhận diện, phát hiện mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân; Cách thức giải quyết, hoà giải mâu thuẫn và các văn bản, biểu mẫu phục vụ hoà giải mâu thuẫn.