Nhãn muộn Hà Nội xuất ngoại

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với mục tiêu đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng trái cây, Hà Nội đã và đang đầu tư xây dựng nhiều vùng nhãn chất lượng cao đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.

Hoạt động này không chỉ giúp các nhà vườn nâng cao thu nhập mà còn mang lại lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng.
Nhãn muộn Hà Nội lần đầu “đi” Australia
Ngày 6/9 vừa qua, lô hàng 1 tấn nhãn muộn đầu tiên của Hà Nội đã chính thức có mặt tại Australia. Dù số lượng xuất khẩu ban đầu còn khiêm tốn nhưng khẳng định vị thế của trái nhãn khi chinh phục được các thị trường khó tính như Australia, EU, Mỹ… Điều này cũng chứng tỏ thương hiệu nhãn chín muộn của Hà Nội đã được đông đảo người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến.
 Cán bộ Sở NN&PTNT Hà Nội đánh giá chất lượng nhãn muộn xuất khẩu niên vụ 2019. Ảnh: Ánh Ngọc
Đây là kết quả tất yếu của việc Hà Nội nỗ lực tìm kiếm, phát triển và mở rộng thị trường, thông qua các chương trình quảng bá, xúc tiến thương mại, liên kết với DN để đưa sản phẩm nhãn chín muộn đặc sản vươn xa đến thị trường thế giới.
Giám đốc Công ty Thương mại và Xuất nhập khẩu Green Path Việt Nam Phùng Thị Thu Hương - DN xuất khẩu nhãn chín muộn của Hà Nội sang Australia cho biết, sản phẩm nhãn muộn Hà Nội có đặc điểm trái to, cùi dày, vị ngọt thơm đặc trưng rất phù hợp với sở thích của người tiêu dùng Australia. Nhờ đó, sản phẩm được thị trường nước này đón nhận và đánh giá cao.
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại, hiện nay, phần lớn nhãn chín muộn ở Hà Nội tiêu thụ dưới dạng quả tươi, qua tư thương (60 - 70% sản lượng) nên giá thành bấp bênh, chỉ khoảng 30 - 40% sản phẩm quả được tiêu thụ tại các cửa hàng, siêu thị trên địa bàn TP.
Niên vụ năm 2019, thời tiết diễn biến bất thường, sản lượng nhãn giảm khoảng 50% so với mọi năm. Tuy nhiên, nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật theo hướng dẫn của Sở NN&PTNT Hà Nội từ khâu bón phân, cắt tỉa, chăm sóc quá trình ra hoa, đậu quả… nên nhiều vườn nhãn muộn vẫn sai quả, đạt chất lượng tốt.
Xây dựng các vùng nhãn chất lượng cao
Vườn nhãn của ông Trần Văn Bảy ở xã Song Phương (huyện Hoài Đức) không chỉ nức tiếng gần xa về quy mô mà còn là vườn nhãn đạt chất lượng xuất khẩu tiêu biểu của Hà Nội.
“2 năm gần đây, sản phẩm nhãn chín muộn của gia đình đều được DN lựa chọn, thu mua để xuất khẩu. Năm nay, tuy sản lượng giảm song chất lượng nhãn vẫn đạt yêu cầu, không thua kém các năm trước. Với hơn 1ha nhãn, bán chủ yếu tại thị trường trong nước, gia đình tôi dự kiến thu gần 1 tỷ đồng” – ông Bảy chia sẻ.
Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội Hoàng Thị Hòa cho hay, nhãn chín muộn Hà Nội chủ yếu gồm 2 giống: HTM1 và HTM2, có thời gian thu hoạch khoảng từ 20/8 - 30/9, không trùng với khung thời vụ các loại nhãn khác.
Hiện, toàn TP có hơn 600ha nhãn chín muộn, sản lượng 8.000 - 10.000 tấn, bình quân đạt 300 - 400 triệu đồng/ha. So với nhiều tỉnh khu vực phía Bắc, diện tích nhãn của Hà Nội không lớn, song những giống nhãn đang trồng đều cho chất lượng tốt, bán được giá cao.
Tuy nhiên, ngoài diện tích nhãn chín muộn cho hiệu quả kinh tế cao, Hà Nội còn hơn 2.000ha nhãn giống cũ sản xuất theo quy mô hộ và chưa được chăm sóc đúng kỹ thuật. Bởi vậy, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ các nhà vườn thay đổi phương pháp sản xuất, giống, kỹ thuật, xây dựng thương hiệu…
Thời gian tới, vùng trồng nhãn chất lượng cao của Hà Nội sẽ tiếp tục được đầu tư chuyên sâu, hướng tới mở rộng thị trường xuất khẩu. Được biết, từ năm 2016, Sở NN&PTNT Hà Nội đã phối hợp với Trung tâm Kiểm dịch thực vật I cấp 2 mã vùng trồng nhãn chín muộn cho 2 xã: Song Phương, An Thượng (huyện Hoài Đức); năm 2019 bổ sung mã vùng trồng cho xã Đại Thành (huyện Quốc Oai). Qua phân tích về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tại các vùng nhãn được quy hoạch, 100% mẫu quả đạt chuẩn.

Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, toàn TP 1.802ha nhãn, sản lượng hàng năm ước đạt 18.000 tấn; với các giống chính là nhãn chín muộn, nhãn chín sớm, nhãn ta, nhãn miền thiết, nhãn thóc được trồng tập trung tại các huyện Quốc Oai, Hoài Đức, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Ba Vì. Năm 2016, Hà Nội đã xuất khẩu thành công 5 tấn nhãn chín muộn sang Malaysia; năm 2018, xuất 18 tấn sang Mỹ và 1 tấn sang Ba Lan.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần