Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhãn năng lượng cho mô tô, xe máy giúp minh bạch mức tiêu thụ nhiên liệu

Bình Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc triển khai nhãn năng lượng dán trên xe sẽ góp phần giảm tổng mức tiêu thụ nhiên liệu thông qua hoạt động của các phương tiện giao thông, giảm phát thải khí nhà kính, giảm ô nhiễm môi trường.

Sử dụng nhiên liệu tiết kiệm, hiệu quả là một trong những biện pháp giảm phát thải khí gây ô nhiễm, khí nhà kính và hiện đang là mục tiêu ưu tiên tại nhiều quốc gia.

Nhãn năng lượng sử dụng để dán trên xe ô tô con
Nhãn năng lượng sử dụng để dán trên xe ô tô con

Trên thế giới, nhiều quốc gia đã, đang tích cực triển khai việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đối với xe cơ giới thông qua các chương trình như: Dán nhãn năng lượng, quy định mức tiêu thụ năng lượng tối thiểu, đánh thuế nhiên liệu, lái xe sinh thái, chương trình bảo dưỡng xe…

Tại Việt Nam, thực hiện Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, ngày 12/9/2011 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 51/2011/QD-TTg quy định danh mục phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng, áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu và lộ trình thực hiện.

Theo đó từ 01/01/2015 xe ô tô loại từ 7 chỗ ngồi trở xuống sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới thuộc đối tượng phải dán nhãn năng lượng. Ngay khi Quyết định nêu trên được ban hành, hầu hết các DN sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ô tô đều hưởng ứng. Thậm chí một số DN có lợi thế đã thực hiện dãn nhãn năng lượng từ trước 01/01/2015 (thời gian khuyến khích áp dụng).

Theo khuyến cáo của Bộ Công Thương, bằng việc dán nhãn năng lượng cho xe cơ giới, các loại xe khi đưa ra thị trường để bán, DN sẽ phải thông tin một cách minh bạch và có căn cứ về mức tiêu thụ nhiên liệu của xe; mức tiêu thụ nhiên liệu này sẽ được ghi trên nhãn năng lượng dán trên xe.

Thông qua nhãn năng lượng dán trên xe người tiêu dùng có căn cứ để lựa chọn phương tiện có mức tiêu hao nhiên liệu phù hợp; các nhà sản xuất, kinh doanh xe cũng lấy mức tiêu thụ nhiên liệu của xe là một trong những công cụ cạnh tranh trên thị trường.

Kết quả là người tiêu dùng tiếp cận, lựa chọn được cho mình phương tiện có mức tiêu hao nhiên liệu thấp; doanh nghiệp sản xuất ô tô quảng bá được hình ảnh doanh nghiệp thông qua nhãn năng lượng; về mặt xã hội việc dán nhãn năng lượng sẽ góp phần giảm tổng mức tiêu thụ nhiên liệu thông qua hoạt động của các phương tiện giao thông, giảm phát thải khí nhà kính, giảm ô nhiễm môi trường.