Nhân rộng sáng kiến xanh cải thiện môi trường Hà Nội

Hà Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cùng với nhiều TP trên thế giới, Hà Nội đang phải hứng chịu các tác động tiêu cực do ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu gây ra với tần suất ngày càng cực đoan. Vì vậy, tại Hội thảo “Chia sẻ các sáng kiến vì khí hậu của các TP châu Á tham gia dự án Cam kết TP tham vọng” diễn ra cuối tuần qua, các chuyên gia kiến nghị cần phải thực hiện đồng bộ và lâu dài các sáng kiến xanh cho Hà Nội.

Học sinh TP Hà Nội đổi vỏ hộp sữa sau sử dụng lấy cây xanh góp phần chung tay bảo vệ môi trường. Ảnh: Nguyễn Hà
Chủ động ứng phó
Thời gian gần đây, Hà Nội phải đối mặt với nhiều vấn đề về ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí. Theo đại diện Sở TN&MT cho biết, trong những năm qua, TP Hà Nội đã có nhiều nỗ lực và hành động cụ thể để ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) và đối phó với những vấn đề cực đoan về khí hậu, môi trường. Để triển khai hiệu quả các giải pháp trên, TP luôn chủ động hợp tác với các tổ chức trong nước và quốc tế, chia sẻ các sáng kiến về khí hậu, đánh giá lỗ hổng, những đề xuất giải pháp toàn diện về bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH.
Chúng tôi vận hành và phát triển nhiều lĩnh vực, trong đó lĩnh vực được quan tâm nhiều nhất đó là giảm phát thải khí nhà kính và sự tăng trưởng toàn diện. 9 TP của khu vực Đông Nam Á, trong đó có Hà Nội đã cam kết và đưa ra một chương trình rất tham vọng về ứng phó với BĐKH đối với người dân của mình. Để tạo nên được sự khác biệt giữa các nước, không chỉ là sự vào cuộc của chính quyền và phải khuyến khích, thu hút mạnh mẽ được sự tham gia của người dân mới đem lại kết quả tốt và sớm nhất.
Giám đốc dự án vùng Đông Nam Á của tổ chức ICLEI Rannel 
Đặc biệt, phải kể đến việc TP Hà Nội đã cùng các chuyên gia trong dự án "Cam kết TP tham vọng" tiến hành nghiên cứu, xác định các lĩnh vực ưu tiên. Dự kiến sẽ tham vấn các sở, ngành và UBND các quận, huyện, cũng như cộng đồng người dân để hoàn thiện và TP sẽ phê duyệt vào quý III/2020. Dự án này cùng với các sáng kiến xanh sẽ giúp cho Hà Nội thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ cải thiện môi trường sống cho người dân trong thời gian sớm nhất.
Thực hiện đồng bộ
Bên cạnh việc học hỏi kinh nghiệm, tiếp thu sáng kiến của các nước trên thế giới, việc các cấp chính quyền và người dân cùng đưa ra những sáng kiến xanh để cải thiện môi trường sống là việc làm quan trọng và cần thiết, cần được thực hiện đồng bộ.
Trước hết, cần phải quản lý chất lượng không khí tốt hơn. Đó là việc xây dựng mạng lưới quan trắc không khí sử dụng cảm biến ô nhiễm không khí giá rẻ tại một số khu vực được lựa chọn của TP Hà Nội. Cung cấp thông tin giám sát trực tuyến để nâng cao nhận thức cộng đồng và cảnh báo người dân địa phương về mức độ ô nhiễm không khí. Thúc đẩy giáo dục khoa học và sự tham gia của cộng đồng. Với biện pháp đó, TP Hà Nội đã đạt kết quả nhất định như đã thực nghiệm và phát triển kế hoạch cài đặt cảm biến ở những nơi công cộng (Pam Air, Airnet). Lắp đặt 50 trạm cảm biến trong nhà và ngoài trời tại 25 trường học và văn phòng.
Thứ hai, nâng cao nhận thức về không khí sạch. Đẩy mạnh giáo dục tại trường học, xây dựng tài liệu truyền thông và giáo dục về không khí sạch, tổ chức các hoạt động giáo dục và truyền thông... Thứ ba, về quản lý chất thải cần phải hạn chế đốt rác thải nông nghiệp. Thực hiện thu gom và phân loại rác, các hình thức tiêu thụ thông minh và bền vững cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc giảm thải. Ngoài việc thu gom và phân loại chất thải, các hình thức tiêu thụ thông minh và bền vững cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc giảm chất thải.
Đặc biệt, Hà Nội đang thực hiện quy trình thu thập vỏ sữa - chương trình tái chế trường học trên địa bàn TP. Vỏ hộp sữa sẽ được thu gom làm phẳng và buộc gọn lại, sau đó tập hợp vào thùng hoặc túi có sẵn tại các trường học, lịch trình thu lượm 2 lần mỗi tháng. Xe tải đến vận chuyển, đóng và lưu trữ, vận chuyển đến nhà máy tái chế.
Thứ tư, thực hiện giải pháp cho giao thông xanh và sạch. Chúng ta đã có phố đi bộ và sắp tới một số mô hình của hệ thống cho thuê xe đi và xe điện đang và sẽ được thử nghiệm. Bên cạnh đó, quy hoạch các không gian xanh như sân chơi từ các vật liệu tái chế được xây dựng với sự hỗ trợ của các tình nguyện viên và cộng đồng địa phương. Mô hình vườn rau hữu cơ được giới thiệu đến các trường tiểu học với sự tham gia của học sinh, giáo viên và hộ gia đình.
Thứ năm, lối sống xanh và tiêu dùng bền vững là sáng kiến không thể thiếu. Cần thúc đẩy công trình xanh, mô hình xanh sử dụng thiết bị và vật liệu mô hình sinh thái thân thiện. Lối sống xanh chính là giảm rác thải nhựa và sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, đang bắt đầu tạo ra một xu hướng tại Việt Nam.