Nhân sự cao cấp của các ngân hàng thương mại: Rối bời theo tái cấu trúc

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Eximbank và Sacombank là 2 ngân hàng (NH) đang thu hút tâm điểm chú ý trong những...

Kinhtedothi - Eximbank và Sacombank là 2 ngân hàng (NH) đang thu hút tâm điểm chú ý trong những ngày gần đây, trong đó câu chuyện về nhân sự gây bất ngờ hơn cả. Đây đều là những NH đang có vấn đề lớn về hiệu quả hoạt động và quá trình thực hiện tái cấu trúc.

Từ câu chuyện nhân sự của 2 ngân hàng

Tuần qua, HĐQT Eximbank đã quyết định bổ nhiệm ông Lê Văn Quyết - thành viên HĐQT, giữ chức danh Tổng Giám đốc Eximbank và trình Ngân hàng Nhà nước chấp thuận trước khi có quyết định chính thức. Ông Quyết không sở hữu cổ phần hay đại diện cho tổ chức sở hữu cổ phần tại Eximbank, từng giữ chức Giám đốc Vietcombank Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai). Tại Đại hội đồng cổ đông bất thường 2015, ông Quyết trúng cử vào HĐQT Eximbank nhiệm kỳ 2016 - 2020. Việc nhân sự này trúng cử vào HĐQT Eximbank cũng là một kịch tính. Bởi danh sách ứng viên HĐQT công bố tại Đại hội bất thường Eximbank có nhiều thay đổi so với công bố trước đó vài ngày. 3 cái tên khá quen thuộc của NH này là các ông Đặng Phước Dừa, Trần Ngô Phúc Vũ và Trần Ngọc Tâm biến mất, thay vào đó 3 thành viên HĐQT đương nhiệm là ông Đặng Anh Mai, ông Nguyễn Quang Thông và ông Hoàng Tuấn Khải. Ngoài ra, HĐQT Eximbank cũng đề cử thêm 2 ứng viên mới, trong đó có ông Lê Văn Quyết. Kết quả, tất cả các ứng viên được đề cử đều trúng cử.
Nhân viên Ngân hàng TMCP Quốc dân chi nhánh Hà Nội hướng dẫn khách hàng làm thủ tục. 	Ảnh: Phạm Hùng
Nhân viên Ngân hàng TMCP Quốc dân chi nhánh Hà Nội hướng dẫn khách hàng làm thủ tục. Ảnh: Phạm Hùng
Tương tự Eximbank, Đại hội cổ đông thường niên 2016 của Sacombank sẽ diễn ra trong tháng 4 này cũng liên quan đến vấn đề nhân sự. Lần này, Phó Chủ tịch Sacombank là ông Trầm Bê sẽ ra đi, thay vào đó là những cái tên khác, nhiều giả định đồn đoán đang được giới phân tích, đầu tư đưa ra gần đây. Ai sẽ là chủ tịch mới của Sacombank? Bởi chủ tịch đương nhiệm hiện nay là ông Kiều Hữu Dũng, một người vốn không xa lạ với giới NH (trước đây, ông Dũng từng công tác tại Ngân hàng Nhà nước – PV), không phải là một người có tiềm lực tài chính. Chuyện nhân sự của Sacombank cũng gắn liền với việc NH này sau khi sáp nhập với NH Phương Nam đang phải oằn lưng gánh chịu hậu quả lỗ hơn 500 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước đó lãi khá.

Vẫn là... “người cũ”

Khác với những ngành nghề thông thường, nơi các ông chủ thực sự của DN có quyền định đoạt nhân sự trong HĐQT và Ban điều hành, nhân sự chủ chốt của NH (chủ tịch và tổng giám đốc) phải được cơ quan quản lý là Ngân hàng Nhà nước phê duyệt. Ở nhiều nước trong khu vực, đây là các chức danh có tiêu chí, điều kiện rất rõ ràng, không phải cứ ông chủ nào có tiền cũng có thể kinh doanh NH một cách bừa bãi. Tương tự, các vị trí nhân sự cấp cao khác của NH cũng chịu những quy định chặt chẽ, bởi NH là lĩnh vực kinh doanh nhạy cảm, sự đổ vỡ của nó có ảnh hưởng tới cả hệ thống tài chính và cả nền kinh tế.

Còn tại Việt Nam, trong vòng 2 năm trở lại đây, nhân sự cấp cao các NH thay đổi xoành xoạch, thậm chí ghế tổng giám đốc điều hành (CEO) còn được coi là nguy hiểm và là ghế nóng. Tên tuổi nhiều CEO gắn liền với các con số về nợ xấu, kết quả kinh doanh thấp của một số NH. Tuy nhiên, một điểm chung dễ nhận thấy là sự loanh quanh trong nhân sự NH. Đơn cử, ông Nguyễn Đức Vinh là Tổng Giám đốc Techcombank sang làm Tổng Giám đốc VPBank; bà Dương Mai Hoa - Tổng Giám đốc VIB sang làm Phó Tổng Giám đốc MaritimeBank; bà Đàm Bích Thủy - Tổng Giám đốc ANZ Việt Nam sang làm Tổng Giám đốc VIB, sau đó bà Thủy từ nhiệm, ông Hàn Ngọc Vũ - Chủ tịch VIB xuống làm Tổng Giám đốc VIB… Việc nhân sự cấp cao NH chạy lòng vòng được coi là điều dễ hiểu, bởi thị trường nhân sự tài chính Việt Nam chưa phát triển và thiếu các nhà điều hành giỏi, chuyên nghiệp.

Ngoài ra, có một điều mà giới chuyên gia quốc tế nhìn nhận là đạo đức nghề nghiệp trong lĩnh vực tài chính ở Việt Nam chưa được coi trọng. Điều này có nguyên nhân không nhỏ từ việc các quy định pháp luật, quy chuẩn trong quản trị NH ở khía cạnh nào đó chưa chặt chẽ, chưa được tuân thủ nghiêm ngặt. Đây là thực trạng mà ngành NH phải đối mặt, thay vì là cái cớ biện dẫn cho các trường hợp vi phạm khi mà quá trình hội nhập ngày một sâu rộng hơn.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần