Nhãn Việt Nam chính thức được cấp mã số vào thị trường Mỹ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - ​Vui mừng là tâm trạng của hầu hết nông dân trồng nhãn ở xã Tam Hiệp, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre những ngày qua.

Vui là vì vụ nghịch năm nay bà con bán được giá cao, còn mừng là vì 34 ha nhãn ở đây đã được Cơ quan Kiểm dịch thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Mỹ cấp mã số chuẩn bị xuất khẩu sang thị trường này.

Ông Lê Quốc Dũng, Người dân xã Tam Hiệp, Bình Đại, Bến Tre cho biết: “Lâu nay mình trồng nhãn chỉ tiêu thụ nội địa và xuất Trung Quốc, vì vậy giá cả bấp bênh, nay xuất được sang Mỹ sẽ đa dạng được thị trường, giá cao hơn, nông dân có lãi nhiều hơn”.
Nhãn Việt Nam chính thức được cấp mã số vào thị trường Mỹ - Ảnh 1
Hiện đã có 3 vùng trồng nhãn ở ĐBSCL được cấp mã vùng. Chỉ cần thống nhất mẫu bao bì đóng gói để chiếu xạ, những lô nhãn đầu tiên có xuất xứ từ Việt Nam sẽ có mặt ở thị trường Mỹ. Điều kiện khá thuận lợi nhưng lợi nhuận lại không được một số doanh nghiệp xuất khẩu nhãn ở Bến Tre kỳ vọng. Chưa tính chi phí nhân công thu hái, đóng gói, chiếu xạ, tiền vận chuyển một container nhãn sang Mỹ đã lên đến 170 triệu đồng.

Ông Phùng Văn Hiền, Giám đốc Công ty TNHH xuất khẩu trái cây Nhiệt Đới, Bến Tre cho biết: “Chi phí vận chuyển quá cao, nếu Nhà nước hỗ trợ, sẽ giúp trái cây Việt Nam có thể vươn xa ra thị trường thế giới. Theo tôi biết, hiện Thái Lan đã hỗ trợ doanh nghiệp 30% cước vận chuyển”.

Đây cũng là lý do mà số lượng thanh long và chôm chôm nước ta xuất khẩu sang Mỹ khá thấp dù đã được cấp phép từ nhiều năm qua. Thống kê của Cục Bảo vệ thực vật, 6 tháng năm 2014, xuất khẩu thanh long vào thị trường Mỹ chỉ khoảng 1.000 tấn, còn chôm chôm chỉ khoảng 180 tấn. Con số khá khiêm tốn so với sản lượng trong nước. Tình trạng tương tự hoàn toàn có thể xảy ra đối với mặt hàng nhãn xuất khẩu sang Mỹ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần