70 năm giải phóng Thủ đô

Nhật Bản: BOJ bơm thêm 100 tỷ USD vào thị trường

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Nhằm xoa dịu các thị trường tài chính và đảm bảo các tổ chức tài chính có đủ nguồn vốn vào thời điểm nhu cầu vốn tăng cao, BOJ đã bơm hàng chục ngàn tỷ yen vào hệ thống tài chính

KTĐT - Nhằm xoa dịu các thị trường tài chính và đảm bảo các tổ chức tài chính có đủ nguồn vốn vào thời điểm nhu cầu vốn tăng cao, BOJ đã bơm hàng chục ngàn tỷ yen vào hệ thống tài chính

Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) ngày 23/3 đã quyết định bơm thêm 8.090 tỷ yen (khoảng 100 tỷ USD) vào các thị trường tiền tệ, nhằm hỗ trợ các tổ chức tài chính đang cần vốn sau thảm họa động đất ngày 11/3 ở nước này.

Số dư tiền gửi trong tài khoản vãng lai của các ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính khác tại BOJ - số tiền mà họ có thể tùy ý sử dụng - đã tăng lên mức cao kỷ lục 41.830 tỷ yen và con số này dự báo tiếp tục tăng lên trong ngày 24/3.

Theo các bên tham gia thị trường, sau khi tăng vọt sau thảm họa động đất, sóng thần vừa qua, nhu cầu tiền mặt ở Nhật gần đây đã dịu lại. Nhằm xoa dịu các thị trường tài chính và đảm bảo các tổ chức tài chính có đủ nguồn vốn vào thời điểm nhu cầu vốn tăng cao, kể từ sau khi xảy ra trận động đất, sóng thần hôm 11/3, BOJ đã bơm hàng chục ngàn tỷ yen vào hệ thống tài chính để cải thiện lòng tin trên thị trường.

Cùng ngày 23/3, thành viên Ủy ban Chính sách của BOJ, Ryuzo Miyao, đã bày tỏ nỗi lo ngại về việc một số nhà lập pháp gần đây yêu cầu BOJ cung cấp tài chính cho công tác tái thiết sau thảm họa động đất, sóng thần.

Quan chức này cho rằng việc BOJ trực tiếp mua trái phiếu dài hạn do Chính phủ phát hành - điều này cơ bản bị nghiêm cấm trong luật ngân hàng Nhật Bản - và việc BOJ in thêm lượng lớn tiền có thể làm giảm sự tín nhiệm đối với đồng yen.

Theo ước tính của Chính phủ Nhật Bản công bố ngày 23/3, thảm họa động đất và sóng thần vừa qua đã gây thiệt hại trực tiếp 16.000-25.000 tỷ yen (185-308 tỷ USD).

Con số thiệt hại trên mới tính tới tổn thất về đường sá, nhà ở, nhà xưởng và các cơ sở hạ tầng khác, chứ chưa tính đến hoạt động kinh tế do mất điện và sự cố tại nhà máy điện hạt nhân ở Fukushima.

Giới phân tích cho rằng hoạt động tái thiết sau thảm họa trên sẽ đẩy Nhật Bản vào tình huống khó khăn khi vừa phải huy động tài chính vừa phải kiềm chế khoản nợ công hiện đã lên tới khoảng 200% GDP./.