Viện trưởng Viện Chăn nuôi Phạm Công Thiếu phát biểu tại Hội nghị |
Dự án bắt đầu vào tháng 5/2015, đã thực hiện khảo sát lợn bản địa Việt Nam tại 22 tỉnh và thiết lập cơ sở dữ liệu gồm các nhận dạng, phân loại, đặc tính. Dự án đã thực hiện bảo quản lạnh tinh trùng của các giống được chọn và thiết lập một hệ thống ngân hàng tinh trùng đông lạnh. Sau khi Dự án kết thúc vào tháng 5/2020, đối tác phía Việt Nam của Dự án cam kết tiếp tục các sáng kiến do Dự án khởi xướng để bảo tồn và sử dụng các nguồn tài nguyên lợn bản địa quan trọng của Việt Nam.
Dự án cũng thực hiện nhiều nghiên cứu để sản xuất phôi trong ống nghiệm, đông lạnh tế bào trứng và phôi bằng phương pháp thủy tinh hóa, chuyển nhân tế bào soma và cấy chuyển phôi và hợp tử. Các công nghệ cơ bản để phòng ngừa và kiểm soát các bệnh truyền nhiễm, cải thiện việc nuôi và quản lý chăn nuôi đã được phổ biến cho người chăn nuôi lợn bản địa ở tỉnh Hòa Bình nhằm tăng năng suất lợn bản địa.
Viện trưởng Viện Chăn nuôi Phạm Công Thiếu cho biết, Việt Nam có sự đa dạng phong phú và may mắn có được số lượng lớn các giống vật nuôi. Hiện nay ở Việt Nam có hơn 20 giống lợn bản địa. Gần đây, một số giống này đã bị giảm mạnh về số lượng và bị lai với các giống khác dẫn đến tình trạng một số giống bản địa gần như hoặc đã tuyệt chủng.
Trong bối cảnh có nhiều dịch bệnh của lợn lây lan ở châu Á, việc bảo tồn các giống lợn bản địa là một nhiệm vụ cấp bách trên quan điểm đa dạng sinh học, và là một trong những ưu tiên của Chính phủ Việt Nam. Phát triển các biện pháp bền vững để cải thiện sinh kế của hộ chăn nuôi quy mô nhỏ cũng là một ưu tiên quan trọng không kém.