Nguyên nhân khiến nền kinh tế Nhật tăng trưởng thấp hơn dự báo là tiêu dùng trong nước yếu đi trong khi xuất khẩu giảm sút trước tác động của cuộc khủng hoảng nợ châu Âu, kinh tế toàn cầu bấp bênh.
Ngoài ra, sự mạnh lên của đồng yen cũng làm giảm sức cạnh tranh của Nhật Bản trong lĩnh vực xuất khẩu.
Giới phân tích dự báo, có thể Chính phủ Nhật Bản sẽ tiến hành các biện pháp khẩn cấp về ngân sách và tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
So với quý I/2012, tăng trưởng GDP của Nhật Bản trong quý II/2012 chỉ tăng 0,3%, thấp hơn nhiều so với mức dự báo tăng 0,7% của thị trường.
Trước đó, theo cuộc điều tra khảo sát của hãng thông tấn Kyodo News (Nhật Bản), GDP của đất nước Mặt Trời mọc (đã điều chỉnh theo lạm phát) trong quý II/2012 tăng trưởng 2,2% so với quý trước đó.
Một tuyến phố sầm uất ở thủ đô Tokyo. (Internet)
Tuy nhiên, phát biểu trước báo giới, Bộ trưởng chính sách kinh tế và tài khóa Nhật Bản, Motohisa Furukawa nói rằng, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này tiếp tục tăng trưởng và sẽ duy trì đà phục hồi nhẹ trong quý III năm nay, nhờ các điều kiện kinh doanh và việc làm cải thiện và nhu cầu trong nước.
Theo Văn phòng nội các Nhật Bản, tiêu dùng cá nhân - hiện chỉ đóng góp khoảng 60% GDP Nhật Bản - tăng trưởng 0,1% trong quý II/2012, tuy chậm lại đáng kể so với mức tăng 1,2% trong quý trước đó.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Furukawa cũng lưu ý cần thận trọng trước những nguy cơ bất lợi từ kinh tế toàn cầu trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nợ châu Âu vẫn còn kéo dài.
Trong khi đó, các nhà phân tích cảnh báo, kinh tế Nhật Bản sẽ tăng trưởng chậm lại hơn nữa trong sáu tháng cuối năm 2012, do nhu cầu trong nước - với động lực chính là công tác tái thiết sau trận động đất sóng thần năm 2011 - có thể chững lại, trong khi triển vọng kinh tế thế giới ảm đạm hơn sẽ tiếp tục gây sức ép lên xuất khẩu của Nhật Bản.
Văn phòng nội các Nhật Bản cho hay, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của nước này trong quý kết thúc tháng 6/2012 tăng trưởng chậm lại còn 1,2%, so với mức tăng 3,4% của quý trước đó, trong khi nhập khẩu tăng 1,6%. Đây là dấu hiệu cho thấy cán cân thương mại của nước này tiếp tục mất cân bằng.
Giới phân tích nhận định, Chính phủ Nhật Bản nhiều khả năng sẽ khởi động phương án bổ sung ngân sách tài khóa hiện nay để thực hiện các biện pháp kích thích kinh tế. Đồng thời, các mối quan ngại về xuất khẩu có thể gia tăng sức ép về mặt chính trị, buộc Ngân hàng trung ương Nhật Bản phải tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng.
Chính phủ Nhật Bản đã tiến hành một loạt biện pháp hỗ trợ tăng trưởng, như khuyến khích mua các loại xe tiết kiệm nhiên liệu và các biện pháp tái thiết khu vực miền Bắc Nhật Bản vốn bị thiệt hại nặng nề sau trận động đất-sóng thần hồi tháng 3/2011.